Khi nền kinh tế có sức cầu yếu
Cầu nội địa yếu là nguyên nhân khiến 2 tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới (WB) và HSBC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống mức lần lượt là 5,5% và 5,4% trong năm 2014. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhìn nhận từ phía tổng cầu hàm ý rằng, trong điều kiện năng lực sản xuất chưa thay đổi thì tăng trưởng phụ thuộc phía cầu, xem xét trên các yếu tố tiêu dùng, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu.
Nền kinh tế dù có nhiều biến chuyển tích cực nhưng chưa khẳng định sự phục hồi
Tiêu dùng trong nhiều năm được coi là nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng, đến nay có biểu hiện đuối hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014, theo Tổng cục Thống kê, ước đạt 1.439 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ còn tăng 5,7%.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) lưu ý, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm nay đã cao hơn 2 năm 2011 và 2012, tương đương với năm 2013. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Như vậy, yếu tố dẫn dắt tăng trưởng này có tác động rất hạn chế.
Sức mua yếu trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam cũng được thể hiện trên diễn biến nhập khẩu hàng tiêu dùng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay, vật phẩm tiêu dùng dù tăng 9,5% về giá trị, song cũng chỉ chiếm tỷ trọng 6,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Con số tỷ trọng này không biến động so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng “thắt lưng buộc bụng” đang tiếp tục duy trì ngay cả với người rủng rỉnh, ưa hàng ngoại.
Khi mà sức mua trong nước khó cải thiện, hướng xuất khẩu được tính đến. Nửa đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cũng tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước đã tăng tốc xuất khẩu, đạt kim ngạch tăng 11,5%, trong khi các năm trước chỉ tăng vài phần trăm. Còn lại, đóng góp chủ yếu vào sự tăng trưởng xuất khẩu này là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép, máy móc thiết bị và phụ tùng…
TS. Võ Trí Thành phân tích, mức tăng nhập khẩu hàng trung gian là không cao và có xu hướng chững lại. Trong khi đó, tổng mức tăng nhập khẩu thấp hơn mức tăng xuất khẩu và tạo ra thành tích xuất siêu. Điều này một mặt tốt cho vĩ mô, song cũng phản ánh quá trình phục hồi không đủ mạnh. “Nhìn tổng thể thì bức tranh xuất nhập khẩu có lĩnh vực được, lĩnh vực không, có tạo ra tăng trưởng song vẫn không đủ mạnh”, ông Thành chốt lại.
Nhưng, cho dù bán lẻ trong nước hay xuất khẩu sản phẩm chưa tạo dấu ấn cải thiện tăng trưởng mạnh mẽ, hiện trạng DN dường như đang tốt lên. Theo một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi giữa tháng 6 vừa qua, tỷ lệ DN phải tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm khoảng 4,3%, giảm so với mức 7,6% của năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2010, DN đánh giá khả năng tạo lợi nhuận ở mức dương, tổng doanh thu tăng... Điều này chứng tỏ DN đã thấy nhiều hơn các cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, đại diện của VCCI cũng thừa nhận sự cải thiện như vậy chưa phải quá nổi trội.
Với các DN FDI - khối chủ lực trong xuất khẩu, góp sức đáng kể vào sản lượng công nghiệp, tăng trưởng kinh tế và nộp ngân sách - sự kiện Biển Đông có lẽ là một phần nguyên nhân khiến cho vốn cam kết trong 6 tháng đầu năm nay giảm khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Song, theo TS. Vũ Đình Ánh, vốn giải ngân tăng nhẹ ở mức 0,9% đã phần nào kéo tổng đầu tư lên để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Ánh cũng phân tích, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm nay theo công bố khoảng 30,1% GDP, so với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,18% là phù hợp. “Trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng đầu tư nữa thì sẽ quay lại tình trạng đầu tư không hiệu quả”, ông Ánh khẳng định.
Như vậy, do các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng manh mún nên nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại sự phục hồi hiện nay có vẻ quá vội vã. Trong điều kiện bình thường, với mức tăng trưởng 5,8% Chính phủ đã yêu cầu phải có một chút nỗ lực. Vì vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% trong năm nay là không đơn giản.
Ngọc Khanh