Khi ngân hàng dịch chuyển lên “đám mây”
Hoàn thiện và phát triển nghiệp vụ thị trường mở trong thời đại công nghệ 4.0 | |
Đón sóng cách mạng công nghiệp 4.0: Kỳ vọng phải dựa trên thực tế |
Lựa chọn ưu tiên phát triển
Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Tiến Dũng, một trong ba công nghệ sẽ được NHNN ưu tiên tập trung nghiên cứu để có thể áp dụng, triển khai rộng rãi trong thời gian tới, bên cạnh Big Data, Blockchain là Điện toán đám mây (cloud-computing). Điện toán đám mây được hiểu là mô hình cung cấp các tài nguyên máy tính dưới dạng dịch vụ, thay vì dưới dạng sản phẩm qua môi trường mạng.
Giải pháp điện toán đám mây giúp ngân hàng nâng cấp công nghệ mới, song vẫn tiết kiệm chi phí |
Giải pháp điện toán đám mây ra đời giúp các ngân hàng thường xuyên được nâng cấp những công nghệ mới, song lại vẫn tiết kiệm được chi phí đầu tư cho phần cứng, đảm bảo được tính bảo mật. Triển khai thành công giải pháp này là một trong những bước đi quan trọng chuẩn bị cho lộ trình chuyển đổi sang xu thế ngân hàng số (digital banking) theo chiến lược được nhiều nhà băng đặt ra. Tháng 6/2017, VietABank trở thành ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển toàn bộ hệ thống Trung tâm dữ liệu sang môi trường điện toán đám mây Private Cloud.
Khi các dịch vụ ngân hàng và thanh toán đều dựa trên nền tảng điện toán đám mây thì một trong số những lợi ích hấp dẫn nhất là khả năng triển khai mô hình “so sánh để đưa ra giải pháp hiệu quả nhất”. Nó khiến cho phương thức nâng cấp và lựa chọn các quy trình xử lý trở thành một động lực lớn cho các ngân hàng.
Những công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc ngành tài chính, ngân hàng như: AI, Open Baking/API, Blockchain, IoT đang trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết, kể cả đối với các ngân hàng nhỏ, khi được cung cấp trên nền tảng điện toán đám mây - mà người ta thường gọi là cuộc cách mạng dân chủ hoá về công nghệ.
Nếu lúc trước, một ngân hàng thường phải mất vài ba năm với chi phí đầu tư ban đầu lớn để xây dựng một nền tảng dữ liệu như datawarehouse, BI thì thời gian và chi phí đó được tiết kiệm đáng kể với phương pháp triển khai mới theo từng chu kỳ ngắn dựa trên nền tảng dữ liệu đám mây.
“Một khi tổ chức dữ liệu của mình trên đám mây, ngân hàng dễ dàng tiếp cận với các công cụ khai thác dữ liệu tiên tiến như AI, machine learning để có thể phân tích hành vi khách hàng, hỗ trợ nhân viên quan hệ khách hàng đưa ra các đề nghị phù hợp với nhu cầu của khách hàng, cung cấp các công cụ hoạch định tài chính cá nhân cho khách hàng”, ông Vũ Tất Thành - FSI (Microsoft Vietnam) chia sẻ.
Một nền tảng công nghệ Open Banking không chỉ bao gồm năng lực tạo ra và quản lý API mà còn đòi hỏi nhiều năng lực công nghệ khác được cung cấp trong một môi trường hybrid kết hợp đám mây công cộng và trung tâm dữ liệu riêng của ngân hàng. Việc lựa chọn một nền tảng công nghệ số dựa trên chiến lược đám mây lai (hybrid clouds) là một yếu tố cạnh tranh quan trọng cho ngân hàng trong một thị trường mới, trong đó “không phải cá lớn nuốt cá bé nữa, mà là cá nhanh nuốt cá chậm”.
Đề cao công tác an ninh mạng
Theo nhận định của giới chuyên gia, công nghệ Điện toán đám mây là một yếu tố quan trọng trong CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Bởi nó cung cấp phương tiện cho DN đổi mới hoạt động bằng cách tích hợp chặt chẽ các dịch vụ tính toán và các nền tảng đám mây.
Song công nghệ luôn có hai mặt. Sử dụng điện toán đám mây cũng đồng nghĩa với việc phải đối diện với thách thức đảm bảo an toàn thông tin mạng, bảo vệ dữ liệu... Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của công nghệ số, đi cùng với xu hướng chuyển dần sang điện toán đám mây sẽ kéo theo nguy cơ lỗ hổng bảo mật có thể gia tăng, dẫn tới rủi ro tấn công tin tặc.
Xu hướng tội phạm công nghệ đang chuyển dần từ tấn công cơ học sang khai thác các lỗ hổng về công nghệ và người sử dụng. Lỗ hổng từ người sử dụng có thể khai thác qua việc vô tình truy cập vào những đường dẫn lạ, hay các trang website không an toàn.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hoè nhìn nhận, các ngân hàng cũng như các định chế tài chính cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trung tâm dự phòng dữ liệu. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cũng chỉ ra rằng cơ quan điều phối an ninh mạng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các cảnh báo, cũng như hỗ trợ các DN trong quá trình xử lý lỗ hổng bảo mật. Bản thân mỗi nhà băng cũng cần ý thức trong việc cập nhật các tiêu chuẩn an toàn thông tin, tiệm cận dần với chuẩn mực an toàn thông tin trên thế giới.
Mỗi một mô hình công nghệ đều có những ưu điểm, thách thức riêng trong việc xây dựng, triển khai. Theo ông Hoè, đơn cử với trường hợp mô hình điện toán đám mây công cộng (public cloud) thì dữ liệu của tổ chức, DN được lưu trong đám mây công cộng và được uỷ quyền cho nhà cung cấp dịch vụ quản lý. Còn mô hình đám mây riêng (private cloud) có cơ sở hạ tầng CNTT được đầu tư hoạt động dành riêng cho một tổ chức, DN.
Như vậy, những ngân hàng có tiềm lực tài chính dồi dào, chú trọng tới độ bảo mật có thể nghiên cứu đầu tư cho đám mây riêng. Còn những nhà băng chỉ có nhu cầu chạy những ứng dụng không có tính bảo mật như các chương trình tiếp thị, khuyến mãi thì có thể lựa chọn đám mây riêng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ của một số ngân hàng là khá cao. Theo đại diện Viện Chiến lược ngân hàng, Nhà nước có thể đứng ra hỗ trợ các ngân hàng thông qua việc xây dựng một trung tâm dịch vụ công cung ứng hạ tầng cơ sở dữ liệu dự phòng vì nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ và vừa chưa có hoặc chưa đủ tiềm lực xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng; hoặc nếu có thì trung tâm này chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.
Điều này tác động không nhỏ đến vấn đề an ninh CNTT trong bối cảnh công nghệ phát triển ngày càng tinh vi, dễ dẫn đến nguy cơ mất quyền kiểm soát hệ thống của các TCTD.
Để có thể bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ tại các nước trong khu vực, cần thiết nghiên cứu xây dựng các quy định mới về ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động NH và an ninh bảo mật phải là yếu tố được đặt lên hàng đầu, một chuyên gia chia sẻ.