Khó huy động vốn xanh vì thiếu quy định pháp lý
Phát biểu tại phiên hội thảo chuyên đề “Tài chính xanh” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức trong 3 ngày 28-30/11, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) khẳng định, thời gian qua ngành Ngân hàng đã tiên phong trong việc huy động vốn và tài trợ cho các dự án định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Ảnh minh họa. |
Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh ghi nhận sự gia tăng mạnh, tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 31/10/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt trên 477.500 tỷ đồng (chiếm hơn 4,4 % tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,78% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (hơn 32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường xã hội đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.
“Qua theo dõi chúng tôi thấy rằng các TCTD trong nước rất kịp thời chuyển hướng hoạt động kinh doanh, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế xanh”, bà Tùng nhấn mạnh.
Để thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 thì nhu cầu nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới là rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam, ước tính giá trị đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 lên đến 6,8% GDP/năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ không có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu này, mà phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó có sự đóng góp của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên qua triển khai thực tế, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, công tác huy động vốn và cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cho các dự án kinh tế xanh cũng đang đối diện với nhiều vấn đề gây hạn chế và tiềm ẩn rủi ro.
Nút thắt lớn nhất là việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các TCTD xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới. Việc cấp tín dụng xanh đòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu. Đây là điều khó khăn đối với cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng. Vì vậy, việc thiếu các quy định tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng.
Rủi ro khác đến từ yếu tố chênh lệch kỳ hạn. Theo đó, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các TCTD trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định. Cuối cùng là hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp dẫn đến việc dự án bị xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, tiềm ẩn rủi ro thu hồi nợ cho các TCTD.
Ông Vương Thành Long, Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, các NHTM trong nước đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan liên quan của Chính phủ để hoàn thiện quy định và quy trình cho vay các dự án kinh tế xanh. BIDV đã khởi động từ rất sớm để tiếp cận tài trợ các dự ánh xanh, với vốn cam kết khoảng 2,6 tỷ USD, giải ngân hơn 2 tỷ USD tính tới thời điểm hiện tại.
Trong suốt quá trình triển khai thực tế, BIDV chủ yếu học hỏi thông qua làm việc với các đối tác nước ngoài, gồm các tổ chức như IFC, ADB, GIZ… và một số cơ quan của Chính phủ. Nhờ đó các cán bộ ngân hàng tự xây dựng kiến thức và hiểu biết thêm về các lĩnh vực như thế nào được gọi là kinh tế xanh. Ngoài ra trong thẩm định thực tế và làm việc với các bên tư vấn, nhà đầu tư, ngân hàng hiểu thêm các điều kiện, yêu cầu đối với các dự án xanh. Tuy nhiên, chỉ học hỏi từ thực tế là chưa đủ. Các NHTM trong nước đang chờ đợi các cơ quan Chính phủ ban hành hướng dẫn chính thức.
“Chúng ta đã có hướng dẫn 12 ngành, lĩnh vực xanh rồi, nhưng để có thể kết nối tốt hơn nữa với các nguồn vốn đa dạng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam thì chúng tôi cần rõ hơn về danh mục xanh với các điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng để làm sao khi cấp tín dụng thì nhà đầu tư phải được hưởng lợi rõ ràng hơn về các chính sách của Chính phủ và quy trình cấp tín dụng được ưu việt hơn”, ông Long phân tích.
Việc ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn rõ ràng cũng sẽ giúp NHTM huy động nguồn vốn ưu đãi từ các nước. Hiện nay, Chính phủ nhiều nước phát triển đã cam kết hỗ trợ nguồn lực cho các dự án tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua các quỹ hoặc TCTD. Tuy nhiên việc thiếu quy định cụ thể ở trong nước khiến các đơn vị khó huy động nguồn vốn này.