Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản
Giãn cách xã hội kéo dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đã bước sang tháng thứ 3, làm DN buộc phải đóng cửa, chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phúc Land cho hay, do giãn cách xã hội nên kế hoạch triển khai thi công xây dựng của DN bị đình lại, hầu hết tiến độ thi công các công trình xây dựng đều bị ảnh hưởng tiến độ. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng leo thang làm gia tăng chi phí đầu vào đáng kể cho các công trình xây dựng. Đại dịch cũng làm biến động nguồn lao động phục vụ cho công trường. Chính vì vậy, sau khi dịch bệnh qua đi, việc tìm kiếm nhân công lao động cho các công trình xây dựng cũng là vấn đề lớn của các nhà thầu xây dựng.
Các doanh nghiệp môi giới bất động sản lao đao trong mùa dịch |
Do giãn cách xã hội và ảnh hưởng của dịch bệnh, các kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư đều bị ngưng trệ, trì hoãn. Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn. Điều này đã khiến doanh thu của các chủ đầu tư bị ảnh hưởng nặng, dù đã có kế hoạch thận trọng trước đó. Doanh thu bị ảnh hưởng nhưng dòng tiền để duy trì hoạt động như trả lương, chi phí điện nước, tiền trả cho các nhà thầu, vận hành các dự án đã đi vào hoạt động… vẫn phải đảm bảo.
Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao, dù họ thường có nguồn lực dự phòng khá dài hơi do lộ trình triển khai các dự án khá dài. Nhưng với tình trạng doanh thu bị giảm sút thì bài toán duy trì hoạt động sẽ gặp khó khăn. Sau gần 2 năm dịch bệnh, nguồn lực dự phòng của các DN đang cạn dần và đến thời điểm khi dịch bệnh qua đi, việc tái đầu tư để khôi phục các hoạt động đầu tư và bán hàng là thách thức lớn đặt ra, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết thêm.
Không chỉ các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản, mà các sàn môi giới bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề không kém. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, các sàn sàn môi giới bất động sản bị thiệt hại nặng nề do đa số là các DNNVV, nguồn lực mỏng không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài, không có sản phẩm để bán dẫn đến doanh thu không có trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, chi phí mặt bằng, điện nước và các chi phí khác vẫn phải có. Nhiều sàn môi giới bất động sản buộc phải thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động để chờ đợi cơ hội thị trường phục hồi. Ít nhất có khoảng 30% các sàn sàn môi giới bất động sản sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khảo sát mới nhất của hội trong 3 tháng gần đây cho thấy, có đến 50% số DN môi giới bất động sản tại TP. HCM chỉ đạt mức doanh thu dưới 10% so với trước, và đây là nhóm có nguy cơ ngưng hoạt động rất cao. 30% DN có mức doanh thu từ 30 - 50%, được đánh giá là nhóm nguy cơ ngưng hoạt động cao. Chỉ có 10% số DN ở nhóm tạm ổn định với doanh thu 50-70% và 10% còn lại là DN nằm trong diện ổn định.
Trong bối cảnh này, rất cần có những giải pháp tháo gỡ về thủ tục hành chính, pháp lý một cách đồng bộ, mạnh mẽ hơn mới giúp DN hồi phục thuận lợi. Ví như hiện nay, các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp, như một “ma trận”, tốn rất nhiều thời gian của DN và có thể phát sinh nhiều rủi ro.
Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng cần giảm, giãn thuế VAT, thuế thu nhập DN, lãi vay để DN trong ngành có thời gian ổn định lại tài chính. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021 nhằm giảm bớt khó khăn cho các DN, góp phần kéo giảm giá nhà.