Khó khăn trên thị trường trái phiếu AT1
Tuy nhiên hiện không ít ngân hàng đã thay đổi "luật chơi" đối với trái phiếu AT1 sau sự sụp đổ của ngân hàng Credit Suissce khi các nhà đầu tư có thể không được hoàn trả tiền và xu hướng này làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của nền tài chính toàn cầu hiện nay.
Còn nhớ sự sụp đổ của Credit Suisse hồi tháng 3 vừa qua đã xóa sạch hàng tỷ USD trái phiếu AT1, khiến các nhà đầu tư choáng váng và đẩy chi phí phát hành trái phiếu AT1 tăng cao. Giờ đây, một số ngân hàng nhỏ hơn không còn hoàn trả tiền mua trái phiếu mà thay vào đó họ chọn giữ trái phiếu có thời hạn mở sau 5 năm và trả lãi cho chúng.
Đơn cử Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo một lần nữa sẽ bỏ qua tùy chọn hoàn trả trái phiếu AT1 trị giá 650 triệu euro (716 triệu USD) vào giữa tháng 6. “RBI cam kết hoàn trả và tái cấp vốn vào ngày sớm nhất có thể...”, người phát ngôn của RBI nói với Reuters. Tuy nhiên Reuters dẫn lời hai nhà đầu tư vào trái phiếu của RBI không còn mong đợi được hoàn trả vào giữa tháng 6 vì ngân hàng đã bỏ lỡ thời hạn hai tuần trước.
Điều đó xảy ra sau khi hai ngân hàng Đức, Deutsche Pfandbriefbank và Aareal Bank, cũng đã thay đổi ngày hoàn trả 300 triệu euro trái phiếu vào đầu năm nay, thay vào đó chọn để giữ cho chúng mở.
Hành động của các ngân hàng cho thấy việc xóa sổ hàng tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường ước tính khoảng 275 tỷ USD này. Rõ ràng sự thèm muốn của nhà đầu tư đối với trái phiếu đang giảm dần.
Theo Invesco ETF - một tổ chức theo dõi thị trường, giá trái phiếu AT1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm trong cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Giá trên thị trường AT1 cho thấy các nhà đầu tư chỉ mong đợi 1/10 số trái phiếu được hoàn trả như thường lệ, theo giám đốc đầu tư Federated Hermes.
Lợi suất trái phiếu AT1 đã tăng lên hơn 10% từ khoảng 8% do các nhà đầu tư tìm kiếm mức phí bảo hiểm cao hơn cho rủi ro và điều đó đang gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng nhỏ trong việc tìm kiếm nguồn vốn tái tài trợ cho các trái phiếu AT1.
“Thị trường AT1 đang bị phân chia", Alessandro Cameroni - Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản Lemanik cho biết. "Cảnh giác với sự kỳ thị liên quan đến việc không trả nợ, các ngân hàng lớn sẽ có hành động phù hợp. Nhưng đối với các tổ chức phát hành nhỏ hơn, dù họ cũng muốn hoàn trả cho các nhà đầu tư... song việc làm này giờ đây ngày càng khó khăn".
Peter Harvey - Một nhà quản lý quỹ tại Schroder cũng cho biết, căng thẳng đã chia rẽ thị trường giữa các ngân hàng lớn mạnh và các tổ chức nhỏ hơn.
Quay trở lại với trường hợp của RBI, RBI cho biết chi phí phát hành trái phiếu mới cao hơn đã đóng một vai trò trong quyết định của họ. Trong khi đó lượng trái phiếu AT1 đến hạn trong thời gian tới khá lớn. Đơn cử trong 12 tháng tới, Societe Generale phải đối mặt với khoản nợ 3 tỷ USD, UBS trên 2,5 tỷ USD và Santander trên 2,3 tỷ USD, theo báo cáo của các ngân hàng.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng các ngân hàng châu Âu cần phát hành hơn 400 tỷ euro trái phiếu AT1 trong ba năm tới. Theo Karsten Junius - Nhà kinh tế trưởng tại J. Safra Sarasin, “giải pháp thay thế là tăng vốn chủ sở hữu, nhưng điều đó thậm chí còn tốn kém hơn”.