Khởi sắc nhạc kịch Việt
Nhạc kịch là loại hình sân khấu trong đó kết hợp ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa. Nội dung và biểu cảm của nhạc kịch được thể hiện thông qua câu chữ, âm nhạc, vũ đạo và các thành phần khác của sân khấu, tất cả hợp thành một thể thống nhất. Theo các chuyên gia âm nhạc, nhạc kịch du nhập vào nước ta từ những năm 60 của thế kỷ 20. Vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn được coi là tác phẩm nhạc kịch đầu tiên ở Việt Nam được dàn dựng theo hình thức và quy mô kinh điển thế giới, công diễn lần đầu năm 1965 với hơn 150 nhạc công, diễn viên. Tiếp sau đó, các tác phẩm nhạc kịch khác lần lượt ra đời như: “Bên bờ sông Krông Pa” (kịch bản, âm nhạc: Nhật Lai) công diễn năm 1968, được sử dụng bằng nhạc cụ dân tộc; “Người tạc tượng” (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) công diễn năm 1974; “Nguyễn Trãi” (kịch bản, âm nhạc: Đỗ Nhuận) công diễn năm 1982.
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” vừa ra mắt công chúng |
Tuy nhiên, ở nước ta, qua một thời gian dài nhạc kịch ít được chú ý, cũng có không nhiều người sáng tác và theo đuổi loại hình này. Vì thế, gần đây, sân khấu trong nước thi thoảng công diễn những vở nhạc kịch - dù là nhạc kịch do người Việt Nam sáng tác, hoặc được Việt hóa - cũng đều là tín hiệu đáng cổ vũ.
Cuối tháng 6 vừa qua, tại Hải Phòng, vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” do Đoàn Ca múa Hải Phòng tổ chức thực hiện đã ra mắt, gây sự chú ý của dư luận. Nhạc kịch “Bỉ vỏ” kết cấu 3 hồi, 15 cảnh, được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, phản ánh một xã hội bất công, khổ cực của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ.
Không chỉ chinh phục những khán giả lớn tuổi, trong thời gian qua còn thấy những vở nhạc kịch lấy thiếu nhi làm đối tượng phục vụ. Mùa hè năm nay, nhiều sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã giới thiệu các vở nhạc kịch đến khán giả. Tại Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn một số vở như: “Bữa tiệc của Elsa”, “Zorba - chú mèo thám tử”, “Đứa con của yêu tinh”, “Bầy chim thiên nga”… tạo nên một chuỗi hoạt động thu hút khán giả. Còn tại các sân khấu ở TP. Hồ Chí Minh, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ mang tới vở “Trạm cứu hộ động vật”, Sân khấu Quốc Thảo có vở “Đảo muôn màu - Thử thách sinh tồn”.
Trước đó, tại nhiều sân khấu trên cả nước, hàng loạt vở nhạc kịch dành cho nhiều đối tượng khán giả khác nhau, trong đó nhiều vở hướng về thanh thiếu nhi cũng đã được dàn dựng, ra mắt công chúng, tạo nên một làn sóng. Có thể kể tên như: “Sóng”, “Trại hoa vàng”, “Rồi tôi sẽ lớn” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Alice ở xứ sở diệu kỳ” (Nhà hát kịch Việt Nam), “Tiên nga”, “Song lang”, “Lộ hàng” (Sân khấu kịch INDECAF), “Tuyết Sài Gòn”, “Tấm Cám”, “Thủy Tinh - Đứa con thứ 101” (Nhóm kịch Buffalo TP. Hồ Chí Minh), “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh), “Hà Nội xưa và nay”, “Tôi đọc báo sáng nay” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long)...
Lý giải lý do để nhạc kịch đang có xu hướng “bùng nổ” gần đây, có nhiều cách. Một nhà phê bình sân khấu cho rằng, ở thời điểm này, công nghệ phát triển, cho phép các đơn vị nghệ thuật gia tăng sức sáng tạo và sức hấp dẫn đối với khán giả, đặc biệt là khán giả thiếu nhi. Ngoài ra, thể loại nhạc kịch bao chứa nhiều hình thức biểu diễn khác nhau, dễ dàng cập nhật các xu hướng, nhiều yếu tố nghệ thuật để khám phá mà không gây cảm giác nhàm chán cho khán giả.
Cũng theo vị chuyên gia này, sự kết hợp giữa ca khúc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa của nghệ sĩ để biểu cảm và thể hiện nội dung, cùng với những yêu cầu khắt khe của kỹ thuật kịch hợp thành một thể thống nhất giúp khán giả được thỏa mãn nhiều giác quan. Nhạc kịch được cho là mang đến một sức trẻ, nhiều năng lượng, nhiều tính giải trí hơn, tiệm cận với nhiều loại hình giải trí khác trong thời đại bùng nổ các phương tiện công nghệ hiện nay.
Từ góc độ làm nghề, thách thức lớn mà các đơn vị nghệ thuật và các ê kíp sáng tạo phải đối mặt đó là kịch bản và âm nhạc. Nhạc sĩ Lưu Quang Minh nhận lời tham gia sản xuất âm nhạc cho nhạc kịch “Bỉ vỏ” cho rằng, điều anh thấy áp lực nhất là tìm mạch âm nhạc để lột tả hết được cảm xúc khốn khổ của những nhân vật trong câu chuyện. Hai chữ “nhạc kịch” nếu hiểu theo âm nhạc thế giới thì khán giả không lạ lẫm, nhưng với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, nhạc sĩ Lưu Quang Minh thấy cần phải điều chỉnh làm sao cho khán giả cảm được theo phong cách nhạc kịch nguyên gốc mà không mất đi hồn Việt. “Ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú và đa dạng nhưng luôn là bài toán khó với các nhạc sĩ khi vừa mong muốn giữ nguyên ý lời văn của đạo diễn trên giai điệu do mình sáng tác, tôi cố gắng giữ nguyên vẹn, chỉ sửa một vài từ để hát được đúng cao độ”, nhạc sĩ Lưu Quang Minh chia sẻ.
Còn NSƯT Ánh Tuyết (Nhà hát Tuổi trẻ) - người đã đạo diễn nhiều nhạc kịch cho thiếu nhi, chia sẻ, chị và một số đồng nghiệp hiện nay chủ yếu hướng tới việc làm sao để khán giả quan tâm, làm quen với nhạc kịch, xóa bỏ quan niệm nhạc kịch là thể loại hàn lâm và rất khó thưởng thức. Đây là hướng đi thực tế cần thiết, vì câu chuyện quan trọng nhất của sân khấu hiện nay là làm sao thu hút được khán giả mua vé đến rạp.
Theo nghệ sĩ Ánh Tuyết, ở giai đoạn đầu tiếp cận, các đơn vị sân khấu thường dàn dựng các vở có kịch bản nước ngoài. Tuy nhiên gần đây, nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn của công chúng, nhất là khán giả nhỏ tuổi, một số sân khấu đã mạnh dạn dàn dựng các vở thuần Việt. Phục vụ các khán giả tuổi “teen”, các nghệ sĩ sân khấu sẽ có nhiều đất hơn để thể hiện tài năng của mình, không chỉ qua diễn xuất mà còn qua kỹ thuật hình thể, thanh nhạc, nhảy múa.
Mặc dù được xác định là xu hướng chung nhưng nhiều đơn vị nghệ thuật và những người làm nhạc kịch đều cho rằng, việc đầu tư thực hiện các vở nhạc kịch hướng đến bản sắc Việt, kể câu chuyện của người Việt cho người Việt đòi hỏi nhiều yếu tố, có khá nhiều khó khăn. Trong đó, bài toán kinh phí cho các dự án nghệ thuật này vẫn là câu chuyện muôn thuở. Bên cạnh đó, việc huy động được những đội ngũ vừa giỏi nghề, có vốn văn hóa, lịch sử sâu rộng, vừa giàu tâm huyết với văn hóa không dễ dàng. Hơn nữa, với đội ngũ biểu diễn, nhiều vở nhạc kịch đòi hỏi cùng lúc nhiều kỹ năng, vừa ca hát, nhảy múa, diễn xuất thể hiện được chiều sâu tâm lý của nhân vật…
Mong sao trong thời gian tới với sự đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa, thì nhân lực cho nhạc kịch cũng sẽ được quan tâm hơn, để lấp đầy những khoảng trống thiếu hụt hiện nay. Theo đó, cần đầu tư cho công tác đào tạo diễn viên, đầu tư cho khâu kịch bản cũng như đội ngũ làm âm nhạc, biên đạo múa. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các vở diễn, để loại hình nghệ thuật sân khấu này sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng, và dần trở nên quen thuộc với công chúng, khách du lịch…