Khơi thông dòng vốn trái phiếu doanh nghiệp
Cùng với gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội quy mô 120.000 tỷ đồng do các NHTM nhà nước triển khai, các chuyên gia nhận định Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để “phá băng” trên thị trường bất động sản.
Lùi thời hạn thanh toán: cứu thanh khoản
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc ban hành Nghị định 08 là cần thiết, được thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành mong đợi. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phân tích, Nghị định 08 tạo ra ba tác động chính. Một là, tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn, hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa 2 năm; qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản, với điểm rơi cao điểm năm 2023 (khoảng 120.000 tỷ đồng) và năm 2024 (khoảng 110.000 tỷ đồng). Hai là, tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là tài sản, bất động sản hay tài sản khác) một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Ba là, cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp; về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu; và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành.
Ảnh minh họa. |
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, nội dung quan trọng nhất của Nghị định 08 là cho phép các doanh nghiệp đàm phán với trái chủ trong trường hợp trái phiếu đáo hạn để cấu trúc lại các khoản nợ theo hai hướng: (i) trả bằng các loại tài sản khác (các loại tài sản này tất nhiên phải hợp pháp, được khách hàng đồng ý và nhà phát hành phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật); (ii) cho phép lùi thời hạn thanh toán trái phiếu thêm 2 năm với các điều kiện đi kèm (phải có thông báo chính thức và công khai về việc lùi kế hoạch trả nợ, và phải được trái chủ đồng ý; trong trường hợp có người không đồng ý thì nhà phát hành phải xử lý riêng).
Cho rằng quy định này đã tạo lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp, ông Nghĩa lý giải, quy định này đồng nghĩa với việc nhà phát hành được phát hành thêm một trái phiếu mới với thời hạn là 2 năm, lãi suất bằng lãi suất của trái phiếu cũ. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, việc các doanh nghiệp này phát hành trái phiếu 2 năm cũng không hề đơn giản, bởi lãi suất phát hành phải rất cao và kể cả lãi suất cao cũng chưa chắc đã có người mua.
Vì vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị doanh nghiệp cần tranh thủ để tận dụng cơ hội này. Trong đó quan trọng nhất là cần phải có những cam kết bằng văn bản với trái chủ của mình, kể cả với việc dùng tài sản khác để xin gia hạn thanh toán.
“Tất cả các động thái phải có giấy tờ văn bản chính thức thì mới có thể thuyết phục được trái chủ, chứ không thể chỉ tuyên bố suông và càng không thể xin kéo dài thời gian để tìm cách chối bỏ trách nhiệm”, ông Nghĩa lưu ý thêm.
Với tinh thần như vậy, các chuyên gia đánh giá Chính phủ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và trái chủ tái cơ cấu nợ mà không áp dụng các biện pháp hình sự, nhằm giúp thị trường dần lấy lại niềm tin và phục hồi. Tuy nhiên việc đàm phán gia hạn nợ có thành công như mong đợi của doanh nghiệp hay không thì còn phụ thuộc vào niềm tin và thiện chí của trái chủ trên tinh thần chia sẻ lúc khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình, đảm bảo uy tín, danh dự và cũng là vì sự tồn vong của doanh nghiệp.
Giải pháp đã có, cần tự giác và nỗ lực thực hiện
TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh đánh giá, với tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn giai đoạn 2023-2024 là hơn 600.000 tỷ đồng, nút thắt trái phiếu doanh nghiệp thực sự là bài toán khó cần được giải quyết gấp trong năm nay. Vấn đề lớn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước mắt là dòng tiền. Ông Hào cho rằng doanh nghiệp không thiếu tài sản nhưng các tài sản đó đang “bất động”, khiến thanh khoản của họ bị ảnh hưởng. Như vậy điều kiện đủ để tháo gỡ vấn đề là dòng tiền hoạt động trở lại.
Trên thực tế, trong các hội nghị gần đây về thị trường bất động sản, Chính phủ cũng đã liên tục nhắc lại thông điệp không giải cứu mà chỉ hỗ trợ thị trường bằng các chính sách, hoặc cấp tín dụng có chọn lọc để làm “vốn mồi”. Như vậy, thị trường có “phá băng” được hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào khả năng đàm phán, hoạch định các kế hoạch tái cơ cấu trong tương lai của chính các chủ thể tham gia.
Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30-40%; đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí; sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang; đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính (hạn chế dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, hạn chế đầu tư dàn trải…).
TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị định 08 là biện pháp tháo gỡ lớn về chính sách mà Chính phủ đưa ra nhằm góp phần tái cơ cấu thị trường bất động sản, bên cạnh giải pháp khác là gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội quy mô lên tới 120.000 tỷ đồng. Cùng với việc các NHTM đẩy nhanh thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì cần đẩy nhanh thủ tục pháp lý, các giải pháp đồng bộ này sẽ tạo cho phân khúc nhà ở giá rẻ một sức bật mới, lực hút mới với nhu cầu nhà ở của thị trường.
Ông Nghĩa phân tích, khi tạo ra một nguồn cung nhà ở mới với giá rẻ hơn, sẽ kéo giá toàn thị trường bất động sản xuống. Khi kéo được mặt bằng giá xuống, sẽ tạo ra động lực bắt buộc các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu và đang đầu tư quá tập trung vào phân khúc giá cao sẽ phải tự định giá lại tài sản, tái cấu trúc để tồn tại.
Cùng với những hỗ trợ trực tiếp đối với việc gia hạn nợ của trái phiếu đáo hạn, Nghị định 08 cũng giúp các bên liên quan chuẩn bị hành trang tốt hơn cho năm tới khi các điều kiện tiêu chuẩn cao hơn (nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm, thời gian phân phối trái phiếu…) bắt đầu áp dụng trở lại. Ghi nhận trên thị trường cho thấy trong tháng 2/2023 có 3 đợt phát hành mới, với tổng giá trị phát hành 2.000 tỷ đồng (trong đó Sơn Kim phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng; Masan phát hành ra công chúng 1.500 tỷ đồng). Trong 2 tháng đầu năm, bên cạnh 14.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn, thì có 25.860 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. Áp lực đáo hạn là rất lớn, trong khi dòng tiền phát hành mới vẫn gần như “mất hút”.
Sự ra đời của Nghị định 08 hứa hẹn sẽ giải quyết được cả hai vấn đề này để khơi thông lại dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023.