Những nút thắt về thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được tháo gỡ
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08).
Theo đánh giá của giới chuyên môn việc ban hành Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần thiết, được thị trường, nhà đầu tư và doanh nghiệp mong đợi.
Ảnh minh họa |
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 08 có 3 tác động chính. Một là, Nghị định tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa là 2 năm. Qua đó, giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023 (khoảng 120.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp bất động sản) và năm 2024 (khoảng 110.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp bất động sản). Theo đó, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình, đảm bảo uy tín, danh dự và cũng là vì sự tồn vong của DN, còn nhà đầu tư có thể tiếp nhận với tinh thần chia sẻ lúc khó khăn…
Hai là, Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản đảm bảo việc thực hiện đàm phán đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là tài sản, bất động sản hay tài sản khác) một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này. Theo đó, DN cần công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho các nhà đầu tư; ngược lại, cũng cần có sự chia sẻ, đồng hành và thiện chí của nhà đầu tư.
Ba là, cho phép giãn tiến độ đến hết năm 2023 đối với việc áp dụng 1 số điều kiện, yêu cầu cao, đáp ứng thông lệ về tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, về yêu cầu rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu và về xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành. Điều này, theo TS. Lực là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực…
Chung quan điểm, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá, Nghị định 08 gần như tháo gỡ hoàn toàn những nút thắt mà Nghị định 65 ban hành trước đây gây ra một số khó khăn thực tế cho doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư mua trái phiếu.
Thực tế, giai đoạn này ngay cả các doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc cũng gặp khó khăn do bị kẹt về dòng tiền. Trường hợp không xoay được tiền, nếu siết bắt doanh nghiệp trả bằng được, doanh nghiệp có thể đi đến phá sản do không đáp ứng tiêu chí thanh toán trái phiếu. Việc gia hạn thời gian thanh toán lãi, gốc trái phiếu thêm 2 năm là yếu tố then chốt giãn nợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, giảm bớt khó khăn cho họ.
Hay như với quy định mới các doanh nghiệp được quyền thương thảo nhà đầu tư về việc dùng sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp thanh toán thay cho lãi và gốc trái phiếu cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Trước đây, doanh nghiệp không những huy động vốn qua trái phiếu mà còn vay qua ngân hàng, hầu hết giấy tờ tài sản ngân hàng nắm giữ. Những dự án đang làm chưa đủ điều kiện bán hàng, khi đủ cơ chế bán hàng thì thị trường ảm đạm, nhà đầu tư không xuống tiền mua, doanh nghiệp không có dòng tiền. Thay vì doanh nghiệp phải đi bán thì có thể thương lượng với trái chủ để cấn trừ, đây là hướng mở cho doanh nghiệp lẫn trái chủ có lối thoát, là yếu tố tích cực cho doanh nghiệp…
Ngoài ra, còn có yếu tố các doanh nghiệp không phải chịu điều kiện không được phát hành trái phiếu khoảng cách trong thời gian ngắn. Điều này giúp doanh nghiệp xoay sở bằng cách phát hành thêm trái phiếu huy động vốn mà không phải chờ đợi quá lâu. Những yếu tố trên, theo ông Hiền đã thực sự đi sâu, trọng tâm, gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu mua trái phiếu hoặc những nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu gặp một số khó khăn với tổ chức phát hành.
“Tôi cho rằng, với doanh nghiệp bất động sản, việc Nghị định 08 được ban hành giúp họ tìm thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm", họ có khả năng "sống" lại. Nếu không, khả năng nhiều doanh nghiệp bất động sản phá sản trong tương lai”, ông Hiền chia sẻ quan điểm.