Không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Tiêu hủy hàng giả |
Theo đó, nhằm phát huy sức mạnh tổng hơp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Nghị quyết đã đưa ra 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ mà các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.
Cụ thể, tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp...; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.
Hai là, tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để phát hiện, phòng ngừa vi phạm…
Thứ ba là, củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác...
Thứ tư là, xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng, khuyến khích sự đóng góp về vật chất của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhân dân cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo nguồn lực để khen thưởng, đàu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng, kỹ thuật nghiệp vụ cho công tác này.
Thứ năm là, tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, chế tài xử lý phải đủ sức răn đe, phòng ngừa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Sáu là, tăng cường quản lý giá tính thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế giá trị gia tăng, chính sách thương mại biên giới, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, thị trường nội địa, các loại hình kinh doanh, dịch vụ dễ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại như xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, bán hàng miễn thuế, sản xuất xuất khẩu, gia công, vận chuyển hàng hóa từ biên giới vào nội địa...
Bảy là, thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Tám là, làm tốt công tác phối hợp lực lượng, phân định cơ quan chịu trách nhiệm chính và cơ quan phối hợp trên từng địa bàn, tuyến trọng điểm; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng để nắm chắc địa bàn, đối tượng, phương thức thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Chín là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương thức, quy trình quản lý, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mười là, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN. Phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu trong hợp tác chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.