Không nên rút bảo hiểm xã hội một lần
Kỳ vọng chính sách bảo hiểm xã hội sớm hoàn thiện Sửa luật để tránh chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội Đề xuất chi 23.000 tỷ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động |
Mất việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh
Cho rằng đại dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến phức tạp trong những năm qua đã khiến nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập và nhiều người đã lựa chọn hưởng bảo hiểm một lần vì cần một khoản tiền để chi tiêu trang trải cuộc sống, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đặt vấn đề: Tình trạng này không những tạo sức ép lớn đến hệ thống an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Từ đó, vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết quan điểm có nên thành lập một quỹ hỗ trợ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống? đồng thời xem xét bổ sung Quỹ quốc gia về việc làm đối với địa phương để có thêm nguồn thu nhập hỗ trợ cho người lao động.
Quang cảnh phiên chất vấn |
Trả lời đại biểu Tráng A Dương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, thời gian qua, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng gia tăng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê từ đầu năm đến ngày 26/5 cho thấy, số lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc làm do cắt giảm đơn hàng và yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc. Đáng chú ý, số người rút bảo hiểm xã hội một lần, theo Bộ trưởng Dung, nếu như giai đoạn trước năm 2019, trung bình mỗi năm khoảng 500.000 người thì hiện nay, con số này là 900.000 người/năm, tức gần bằng số người tham gia đóng. Đây là nguy cơ, thách thức về sau vì tương lai, nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh sẽ khó bền vững.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cụ thể, trong đó, việc thành lập quỹ hỗ trợ cho người lao động cũng là một trong những giải pháp. “Để giảm và tiến tới không có chuyện rút bảo hiểm xã hội một lần thì đòi hỏi rất nhiều các giải pháp liên quan, đặc biệt là tạo công ăn việc làm, thu nhập đời sống phải tốt lên… Còn việc thành lập quỹ, nếu có thì cũng là một căn cứ. Chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này, bởi việc thành lập một quỹ nào đó, nhất là quỹ liên quan đến vấn đề lớn thế này thì phải có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, xem căn cứ như thế nào, hiệu quả ra sao và báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí là phải báo cáo Quốc hội cho phép. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này của đại biểu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính, bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến những khó khăn hiện hữu và bằng mọi cách đề xuất giải pháp hỗ trợ cho NLĐ. Theo đó, một gói hỗ trợ NLĐ đang được thiết kế để trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với việc chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo giúp NLĐ trong giai đoạn khó khăn hiện nay. |
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần thời gian vừa qua tăng lên vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân quan trọng là đời sống thu nhập thấp, khó khăn. Do đó, quan trọng nhất là làm sao phải cải thiện được đời sống, thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Bên cạnh đó, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng, quyền lợi khi rút rất cao. “Đóng có 8% nhưng được hưởng toàn bộ cả phần đóng của Nhà nước, của DN, thực ra phải hiểu rằng số đóng của Nhà nước và DN cũng là cho người lao động, nên dẫn đến nhiều trường hợp có khi chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt hơn nên rút, sau đó một thời gian lại tham gia. Hiện nay, có khoảng 1/3 số người rút bảo hiểm xã hội đã quay trở lại tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Chia sẻ nhưng phải bình đẳng về đóng - hưởng
Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là chưa quan tâm đầy đủ công tác thông tin tuyên truyền đối với người lao động. “Tại sao thành phố Hà Nội vừa rồi cứ 10 người đi rút thì chúng ta vận động, thuyết phục 6 người trở lại không rút nữa. Tôi cũng vào một số DN ở TP. Chí Minh, Đồng Nai thấy, khi tuyên truyền, vận động thì có một tỷ lệ không rút nữa. Như vậy, rõ ràng công tác tuyên truyền chưa phải là tốt”, Bộ trưởng Dung nói. Vấn đề hiệu ứng của việc đưa ra dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội cũng được Bộ trưởng Dung đề cập, cho biết một số người lao động tưởng rằng sẽ không được quyền lợi như hiện nay, do đó có một bộ phận tranh thủ đi rút một lần. “Tôi xin nói tinh thần sửa luật theo hướng không hạn chế quyền lợi mà đi theo hướng tăng quyền lợi, còn quyết định như thế nào, cách xử lý như thế nào thì kỳ họp tới Quốc hội sẽ bàn và đưa ra các phương án khác nhau để xử lý bảo hiểm xã hội một lần làm sao có hiệu quả nhất”, Bộ trưởng cho biết.
Chưa thỏa mãn với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy tiếp tục tranh luận: Bộ trưởng trả lời là sửa luật theo hướng tăng quyền lợi và không hạn chế các quyền của người lao động. Vậy thì vấn đề tăng quyền lợi đó là quyền lợi gì để người lao động theo dõi cuộc chất vấn ngày hôm nay sẽ an tâm hơn và suy nghĩ lại đối với các quyết định của mình liên quan đến bảo hiểm xã hội ?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong sửa đổi luật thời gian tới, chắc chắn phải tính một cách tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội . Nguyên tắc là chia sẻ nhưng cũng phải trên sự bình đẳng về đóng - hưởng. “Riêng về rút bảo hiểm xã hội một lần, quyết định trong trường hợp nào được rút và rút như thế nào, mức độ rút ra sao… Quốc hội kỳ họp sau sẽ quyết định, chứ cá nhân Bộ trưởng không quyết định được. Xin báo cáo với đại biểu như vậy, mong đại biểu rất thông cảm cho”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) nhấn mạnh: Rút bảo hiểm là bất đắc dĩ và là nguyện vọng thật sự của người đóng nên cần được tôn trọng. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần phải làm sao để bảo đảm quỹ bảo hiểm ổn định và phát triển, đây là một vấn đề rất khó. Tại phiên chất vấn này, đại biểu Trí thông tin, có đề xuất là, nếu rút trong 5 năm đầu thì người lao động chỉ được trả lại số tiền đúng bằng số tiền đã đóng; rút ở 6-15 năm tiếp theo thì chỉ được trả lại số tiền đã đóng cộng với lãi suất tiết kiệm trung bình; và trên 15 năm thì được trả lại toàn bộ tiền đã đóng (kể cả tiền cơ quan, DN đã đóng cho người lao động). “Đó là một đề xuất, hy vọng rằng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ trưởng khác suy nghĩ để giải quyết cho thấu đáo”, đại biểu Trí nói.