Sửa luật để tránh chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt các câu hỏi liên quan đến tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội và trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn TP.HCM cho rằng không thể nói không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự một số trường hợp trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho người lao động. Đại biểu đề nghị Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan điều tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào cuộc, xem xét trách nhiệm cơ quan giám sát…
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. |
Trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng cho biết đến hết năm 2022, khối lượng chậm đóng, trốn đóng tăng 2,69% so với mức của năm 2021, có 26.670 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng, trốn đóng. Bộ đã điều chỉnh, thực hiện các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng, cho đến nay, các đối tượng tham gia bảo hiểm bị ảnh hưởng về chế độ, chính sách đã được giải quyết một cách căn bản.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, cơ quan quản lý bảo hiểm chưa quản lý hết đối tượng, quản lý, sử dụng thiếu hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu chưa tốt. Bộ đã triển khai các biện pháp cụ thể, thực hiện nguyên tắc người lao động thu đến đâu thì thực hiện chính sách tới đó.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật Bảo hiểm xã hộ, các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10, trong đó sẽ quy định rõ khái niệm, phạm vi hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, áp dụng một số chế tài mạnh mẽ, kiên quyết, hiệu quả hơn đối với hành vi này như thông lệ quốc tế…
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.
Đặc biệt là trong năm 2023 tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, đổi mới đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách pháp luật và bảo hiểm xã hội; chuẩn bị hồ sơ dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.
Tòa án Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội. Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.