Kỳ vọng chính sách bảo hiểm xã hội sớm hoàn thiện
Thận trọng với đề xuất thế chấp sổ bảo hiểm xã hội Sẽ giảm mức chi phí chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Có nên giảm tỉ lệ đóng? |
Những thay đổi quan trọng
Dù đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, song Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng có những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục sớm để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trong bối cảnh đó, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với nhiều điểm mới quan trọng. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật, ban soạn thảo đã tiếp nhận nhiều kiến nghị liên quan.
Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; bổ sung đối tượng tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung thêm nhiều quy định nhằm khuyến khích người lao động lựa chọn tham gia hoặc bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng và đưa ra 2 phương án quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng bổ sung quy định về tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với những người có dưới 20 năm đóng phù hợp với sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế; quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và bổ sung các biện pháp xử lý trốn đóng Bảo hiểm xã hội; quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc… Đặc biệt, dự thảo Luật quy định sổ bảo hiểm xã hội được xây dựng trên môi trường điện tử, nghĩa là sổ bảo hiểm xã hội điện tử…
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhận được nhiều ý kiến đóng góp. |
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội; đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Để Luật có tính ổn định, bền vững
Hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp. Là một trong những đối tượng chịu tác động của quá trình sửa đổi Luật, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đánh giá cao ý nghĩa, tính ưu việt và nhân văn trong nhiều quy định cụ thể của dự thảo luật; phù hợp với chủ trương chung về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, tạo động lực cho doanh nghiệp và người lao động. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã có không ít kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hosiden phân tích, thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, nhóm rút bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2021 nhiều nhất là 30-40 tuổi, chiếm 40,4%; người 40-50 tuổi chiếm 15,4%. Trong khi đó, người trên 40 tuổi rất khó tìm việc mới, khiến lao động không có điều kiện đóng bảo hiểm xã hội tiếp, trong khi chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện không hấp dẫn. Với suy nghĩ đằng nào cũng không được hưởng lương hưu, lao động 40-45 tuổi sẽ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nên chia thời gian đóng bảo hiểm xã hội thành nhiều mức 10 - 15 - 20 năm làm điều kiện cho lao động hưởng lương hưu; tỷ lệ nhận lương hưu tương ứng với số năm đóng, tham gia càng lâu mức hưởng càng cao.
Trước đó, 8 Hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)… đã có văn bản gửi tới các đơn vị có liên quan để góp ý về dự thảo Luật. Đối với tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhấn mạnh, chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn hiện chiếm khoảng 33,5% tổng quỹ lương của các doanh nghiệp và là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất… nên việc điều chỉnh căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội như có phương án đề ra khiến doanh nghiệp và người lao động, khó càng thêm khó. Thậm chí, trong bối cảnh này, tăng tỷ đóng bảo hiểm xã hội có thể dẫn đến tình trạng càng tìm cách trốn đóng bảo hiểm xã hội, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu kỳ vọng.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc sửa đổi chính sách phải được tính toán kỹ và theo lộ trình phù hợp để khi luật được ban hành sẽ có tính ổn định, bền vững, độ phủ rộng khắp các đối tượng thụ hưởng; phải có tính toán hợp lý để vừa đảm bảo quyền lợi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội vừa đảm bảo nguồn quỹ bảo hiểm xã hội.
Nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, một chuyên gia cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nhận được nhiều ý kiến đóng góp càng cho thấy người dân, doanh nghiệp đang quan tâm và kỳ vọng rất nhiều vào chính sách mới. Mọi ý kiến đều là những tình huống thực tế trong việc triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội. Đây đều là những ý kiến tâm huyết để chính sách ngày càng hoàn thiện, tăng độ bao phủ để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân tốt hơn.