Khung pháp lý cho khai thác dữ liệu phải rõ ràng, minh bạch
Doanh nghiệp không biết mình được làm gì
Ở Việt Nam, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đi tiên phong trong việc đưa phân tích dữ liệu vào để đẩy nhanh tiến trình số hóa các hoạt động chuyên môn truyền thống và mở thêm các hoạt động, dịch vụ đổi mới sáng tạo khác. Tuy nhiên các chuyên gia trong ngành đánh giá chất lượng dữ liệu còn rất hạn chế do chưa có cơ chế để mở và khai thác nguồn tài nguyên này.
Ông Jing Chang Lai, Trưởng nhóm Tư vấn các định chế tài chính châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho biết, ngoài thông tin tín dụng truyền thống, hiện nay các thông tin phi tín dụng khác liên quan tới hành vi người tiêu dùng như hóa đơn thanh toán tiền điện, nước, trả tiền thuê nhà… Hay dữ liệu công cộng do Chính phủ quản lý nhưng không phải giữ bí mật, như phán quyết toà án, thủ tục phá sản… đều có thể hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc ra quyết định cho vay. Theo IFC có khoảng 200 dữ liệu khác trong thanh toán chi phí thường xuyên của khách hàng có thể bổ sung vào dữ liệu tín dụng. Song điều quan trọng là các đầu mục dữ liệu phải hợp pháp và có chất lượng cao, thì mới có giá trị sử dụng.
Ảnh minh họa |
Ông Đặng Thế Đức, Công ty Luật Indochine cho biết, Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý cụ thể để điều chỉnh hoạt động của các công ty dữ liệu. Do đó các doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như định danh điện tử, xếp hạng tín nhiệm, tài chính tiêu dùng… không biết mình thuộc khung khổ nào, trong khi các rủi ro luôn rình rập. “Các tội danh về công nghệ thông tin đã có rồi, nếu chia sẻ hay bán dữ liệu cá nhân mà không được phép thì có thể đi tù. Nhưng dữ liệu nào doanh nghiệp được phép chia sẻ hay khai thác để phục vụ cho mục đích thương mại, lại chưa có quy định rõ ràng”, ông Đức nói.
Dữ liệu: phải có chọn lọc và cập nhật
Theo dự thảo ban hành danh mục dữ liệu, có 137 dữ liệu mở thuộc diện ưu tiên triển khai. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc ưu tiên công khai các loại dữ liệu có giá trị kinh tế cao. Cụ thể: dữ liệu về nhân khẩu học và xã hội, doanh nghiệp, giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép cho sản phẩm, dữ liệu thương mại, xuất nhập khẩu, mua sắm công, ngân sách nhà nước… VCCI cũng lưu ý, để dữ liệu có giá trị sử dụng cần quy định về việc đăng tải dữ liệu với định dạng mở và có thể đọc bằng máy. Trên thực tế, một số cơ quan đã đăng tải dữ liệu công khai nhưng chưa cung cấp dưới định dạng mở, khiến cho việc tiếp cận và sử dụng các bộ dữ liệu rất khó khăn.
Bên cạnh loại dữ liệu, chuyên gia của VCCI khuyến nghị, cần quy định cụ thể về mức độ chi tiết của dữ liệu và yêu cầu cập nhật dữ liệu. Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và dữ liệu mở của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, khoảng 50% số người được khảo sát cho biết dữ liệu không đủ chi tiết, như các thông tin thiếu phân tách theo địa lý và theo ngành. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần bổ sung tiêu chí này với một số nhóm dữ liệu như: dữ liệu kinh tế, dữ liệu nông nghiệp…
VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung trách nhiệm cập nhật cho các bộ dữ liệu của cơ quan nhà nước có liên quan và trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc theo dõi cập nhật các bộ dữ liệu mở này. Thực tế, các bộ dữ liệu đã sẵn có do cơ quan nhà nước thu thập theo yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, “nếu chỉ yêu cầu mở kho dữ liệu mà không quy định cụ thể về hình thức chia sẻ, lộ trình chia sẻ… có thể dẫn tới việc triển khai nhiệm vụ bị kéo dài, hoặc một số dữ liệu có giá trị cao không lại được đưa lên sớm”, chuyên gia của VCCI bổ sung thêm.
Theo báo cáo Khai thác tiềm năng dữ liệu lớn tại Đông Nam Á sau đại dịch Covid-19 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố: dữ liệu lớn có tiềm năng khổng lồ trong việc đẩy nhanh phục hồi kinh tế hậu đại dịch trong khu vực, với những lợi ích trong lĩnh vực y tế công cộng, phúc lợi, bảo trợ xã hội và giáo dục đạt giá trị hơn 100 tỷ USD. Báo cáo của ADB cũng đưa ra ước tính chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, quy mô kinh tế internet có thể tăng gấp ba lần, lên tới 300 tỷ USD vào năm 2025.
Song ADB cũng cảnh báo việc khai mở tiềm năng của dữ liệu lớn trong các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ đòi hỏi Chính phủ phải xây dựng nền móng kỹ thuật và pháp lý nhằm tối ưu hóa các cơ hội của dữ liệu lớn và giảm thiểu rủi ro; đặc biệt là bảo vệ dữ liệu cá nhân, chống gian lận và an ninh mạng. Bên cạnh đó, việc xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường dữ liệu và phân tích dữ liệu cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này rất mong đợi.