Kịch bản phim Việt: Nỗi lo và kỳ vọng
Nhiều đạo diễn gạo cội như NSND Nhuệ Giang, NSND Thanh Vân đã “rửa tay gác kiếm” vì không có kịch bản hay. Một số đạo diễn tự tay viết kịch bản và làm đạo diễn cho bộ phim của mình như đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Thiếu kịch bản, đặc biệt kịch bản có chất lượng, cũng dẫn đến thực tế chất lượng phim đi xuống.
Theo diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, có rất nhiều yếu tố để làm nên một bộ phim hay, nhưng trước hết, chúng ta cần có một kịch bản hay. “Tôi sẵn sàng đầu tư cho các kịch bản hay, nhưng thực tế trong hàng trăm kịch bản gửi đến hãng phim của tôi, chúng tôi không thể chọn được kịch bản nào để sản xuất vì quá yếu” - Trương Ngọc Ánh chia sẻ. Ngoài ra, nữ nghệ sĩ này cũng lý giải sự không hấp dẫn của phần nhiều kịch bản phim Việt: biên kịch trẻ thường thiếu vốn sống, thiếu va chạm, lắm khi lười sáng tạo, đôi khi còn sao chép ý tưởng của người khác hoặc phim ngoại; các biên kịch lớn tuổi lại thiếu sức trẻ, không thổi được “hồn” của cuộc sống vào tác phẩm.
Mắt biếc được đánh giá là một trong những bộ phim thành công trong thời gian gần đây |
Bàn về vấn đề này, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh của nhiều phim điện ảnh ăn khách ở nước ta cho rằng, ở Việt Nam không thiếu phim hay nhưng các biên kịch vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng. Việc tìm kiếm và phát triển tài năng cho các nhà biên kịch là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam. Muốn tạo được kịch bản hay và nguồn kịch bản dồi dào, không có biện pháp nào khác là phải đào tạo từ gốc và bài bản, chuyên sâu hơn về biên kịch, bởi đây là yếu tố sống còn để làm nên một bộ phim hay.
Cũng vì thiếu kịch bản nội chất lượng nên thời gian qua đã dẫn đến thực trạng các nhà làm phim Việt sử dụng các kịch bản remake (làm lại từ tác phẩm gốc của nước ngoài). Tuy nhiên thực tế này phản ánh, lựa chọn phim remake thể hiện sự “lúng túng” của phim Việt. Vì quá thiếu đề tài, thiếu kịch bản hay buộc các nhà làm phim phải chọn kịch bản của nước ngoài. Phim remake có chăng chỉ giải quyết được bài toán doanh thu phòng vé và cơ hội để các nhà làm phim, biên kịch Việt Nam học tập. Còn trên thực tế, những bộ phim remake dù hay và thu hút khán giả đến cỡ nào cũng không thể so sánh với những sáng tạo riêng biệt, mang đậm màu sắc văn hóa Việt của các tác phẩm thuần Việt.
Theo đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn, “muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng biên tập của các hãng phim đang chất đống kịch bản nhưng lại không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hấp dẫn”. Chính vì vậy, theo vị đạo diễn này, đó cũng là một trong những lý do tại sao các hãng phim của ta săn lùng mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa.
Trước thực trạng trên, việc Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) vừa phát động cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” được nhiều người kỳ vọng sẽ cung cấp cho phim Việt những kịch bản tốt, ấn tượng và thỏa cơn khát của khán giả nước nhà trong tương lai gần. Theo Cục Điện ảnh, cuộc thi được tổ chức nhằm thiết thực triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đồng thời khuyến khích không khí sáng tác kịch bản điện ảnh của các nhà văn, đạo diễn, người viết kịch bản chuyên và không chuyên, đặc biệt đối với đội ngũ tác giả trẻ.
Đặc biệt, Ban tổ chức nhấn mạnh, việc tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” chính là tìm kiếm, tuyển chọn các kịch bản phim truyện có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật. Qua đó tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong giai đoạn 2021-2025.
Cuộc thi dành cho các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp là người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp đều có quyền gửi tác phẩm tham gia cuộc thi. Kịch bản có nội dung tư tưởng hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt. Khái quát được những vấn đề của xã hội đương đại; có những phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người; có nội dung hấp dẫn, cách thể hiện đặc sắc, sáng tạo. Kịch bản để sản xuất phim truyện điện ảnh có độ dài phim từ 90 đến 120 phút. Mỗi tác giả dự thi gửi tối đa 2 kịch bản phim truyện điện ảnh. Mỗi kịch bản gửi 1 bộ, có thể gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Cục Điện ảnh (số 147 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội).
Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 3 giải Khuyến khích cho những kịch bản chất lượng và tốt nhất. Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo tới tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang tin điện tử Cục Điện ảnh. Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2020.