Kích thích kinh tế bằng thương mại điện tử
Ra mắt mã địa chỉ bưu chính VPostcode - nền tảng thúc đẩy thương mại điện tử | |
Thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến lên ngôi thời dịch Covid-19 | |
Thương mại điện tử “sống khỏe” thời dịch Covid-19 |
Một trong những giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế hậu dịch Covid-19 là phát triển thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động từ dịch Covid-19 đang tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc. Từ đó cũng đã xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số.
Cơ hội ngắn hạn cho thương mại điện tử
Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực kinh tế, kể cả lĩnh vực bán lẻ truyền thống, nhưng đây lại là cơ hội ngắn hạn cho TMĐT. Do tâm lý ngại ra ngoài đi chợ, mua hàng vì sợ lây nhiễm bệnh, nhiều người dân đã lựa chọn mua các sản phẩm thiết yếu, các vật dụng y tế qua mạng internet, vì thế hoạt động TMĐT gần đây khá sôi nổi.
Bên cạnh đó, kể cả trong trường hợp nền kinh tế không chịu tác động của dịch, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng với mô hình truyền thống, DN sẽ gặp phải nhiều hạn chế. Đó là vấn đề chi phí cao hơn, khó mở rộng thị phần, kém linh hoạt và chịu nhiều ảnh hưởng hơn khi có khủng hoảng… so với kinh doanh trên các nền tảng số.
Thương mại điện tử giúp hạn chế nhiều điểm yếu của thương mại truyền thống |
Tuy nhiên để chuyển đổi số và đẩy mạnh TMĐT, hiện nay DN cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Hiện các DN TMĐT Việt Nam vẫn phát triển chủ yếu trên nền tảng mạng xã hội và các nền tảng TMĐT sẵn có phổ biến với những hình thức bán hàng online của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và DN nhỏ. Trong khi đó, lại đang thiếu vắng sự tham gia của các DNNVV, nhất là trong TMĐT xuyên biên giới. Theo Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam, hiện có 32% DNNVV trong nước đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
Các DN trong lĩnh vực TMĐT cho rằng, quá trình chuyển đổi số của DN sản xuất gặp khó khăn nhất định do nguồn nhân lực và kiến thức kinh doanh trên TMĐT còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng DN đầu tư chi phí vào những khoản không cần thiết, hoặc DN không biết đến các chính sách hỗ trợ từ các sàn TMĐT. Do đó, cần có sự đồng hành và phối hợp từ Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc truyền thông và đào tạo chuyển đổi số cho DN, khuyến khích DN đẩy mạnh việc hợp tác với TMĐT để đa dạng kênh phân phối.
Trong ngắn hạn, để hỗ trợ cho cả DN và người dân, các DN TMĐT đã có đề xuất Nhà nước và Chính phủ xem xét hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, điển hình như thuế GTGT. Chính sách này sẽ giúp DN cắt giảm một phần chi phí dẫn đến giá thành sản phẩm được hạ thấp hơn, các DN nội địa vẫn duy trì được năng lực sản xuất, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng.
Tháo gỡ chính sách để phát triển dài hạn
Trong dài hạn, vấn đề tăng trưởng quy mô của các sàn TMĐT tại Việt Nam là yêu cầu bắt buộc để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo VECOM, quy mô các sàn TMĐT đang ngày càng lớn, trị giá nhiều sàn đang được đánh giá cao, nếu có sự hợp nhất của một số sàn thì sẽ có thể hình thành nên các DN TMĐT có giá trị lên đến hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên quá trình mở rộng quy mô cần được đẩy nhanh hơn nữa thông qua các chính sách.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà sáng lập kiêm CEO của Tiki, đơn vị sở hữu nền tảng TMĐT Tiki kiến nghị, Nhà nước và Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ để giúp các công ty công nghệ, TMĐT, bán lẻ… tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Trong đó vốn nước ngoài là một giải pháp khả thi. Muốn vậy các thủ tục hành chính đối với việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài cần trở nên đơn giản hơn, từ đó rút ngắn thời gian phê duyệt thay vì mất 2-3 tháng như hiện tại. Điều này sẽ giúp các DN nội địa nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ngoại dồi dào để phục hồi và củng cố năng lực cạnh tranh. Bởi lẽ hiện nay lĩnh vực TMĐT được xác định là ngành nghề kinh doanh đặc biệt nên khi nhận được vốn đầu tư nước ngoài thì Sở Kế hoạch và Đầu tư phải hỏi ý kiến bộ khiến thời gian kéo dài. Ông Sơn kiến nghị cho phép sở được quyết định việc này.
Trong dài hạn, các công ty công nghệ, công ty bán lẻ cũng mong muốn được tận dụng nguồn vốn đại chúng để đẩy nhanh quá trình huy động vốn. Trong top 10 trang TMĐT Đông Nam Á, phân nửa có sự góp mặt của các DN Việt Nam. Vì vậy, DN mong muốn Nhà nước có những chính sách nới lỏng điều kiện lên sàn đối với các DN trong nước. Ví dụ có thể thực hiện thí điểm dỡ bỏ điều kiện cần chứng minh lợi nhuận trong 3 năm để được IP cho các DN công nghệ có nguồn vốn mạnh, năng lực vận hành vững vàng và uy tín trên thị trường.
Một yếu tố khác cần thiết chính là phát triển hệ thống logistics hiệu quả. Hiện nay một đơn hàng có giá trị 10 đồng thì chi phí logistics có thể lên tới 2,5 đồng. Chi phí này cần giảm mạnh hơn nữa. Để làm được điều đó, DN đề xuất Chính phủ và các cấp ban ngành tại từng địa phương có những chính sách ưu đãi cụ thể về vị trí kho bãi trong dài hạn dành cho các đơn vị logistics và TMĐT. Nhờ vậy, DN sẽ tự tin đầu tư lâu dài cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, quy trình kho bãi hiện đại, ứng dụng công nghệ trong vận hành… giúp mang đến mô hình logistics trực tiếp, cắt giảm các bước trung gian không cần thiết, từ đó tiết kiệm chi phí logistics cho DN. Chính phủ cũng có thể đầu tư hệ thống hạ tầng logistics sau đó cho các DN thuê để đảm bảo đỡ lãng phí nguồn lực.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh việc giao thương toàn cầu bị hạn chế vì dịch bệnh, TMĐT chính là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước và xuất khẩu. Thậm chí đây còn là một trong những cách nhanh nhất để các DN có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là đối với các DNNVV. Mặt khác, sau khi dịch qua đi, nguy cơ DN nước ngoài tìm kiếm các DN trong nước có sức khoẻ yếu để thâu tóm cũng là điều đang được cảnh báo. Vì vậy cần tận dụng thời điểm này để tháo gỡ các chính sách phát triển cho lĩnh vực TMĐT, tạo sự hợp tác, liên kết chặt chẽ, phá vỡ rào cản.