Thương mại điện tử “sống khỏe” thời dịch Covid-19
Đi chợ là online
Từ khi Chính phủ thực hiện biện pháp cách ly xã hội để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, chị Bích Ngọc (37 tuổi, Hà Nội) – nhân viên văn phòng được công ty bố trí chuyển sang làm việc trực tuyến. Không chỉ làm việc trực tuyến, việc đi chợ hàng ngày cũng được chị thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng đi chợ trực tuyến của chuỗi siêu thị Vinmart, Big C… hoặc qua các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee.
Chị Ngọc cho biết, nếu như trước đây chị thỉnh thoảng mới mua một vài món đồ trực tuyến thì khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chị đã chuyển hẳn sang sử dụng thương mại điện tử.
Hình thức thanh toán online thuận tiện khi liên kết với Internet Banking |
“Chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc một chiếc máy tính mà không cần phải bước chân ra đường tôi đã có thể mua đủ loại mặt hàng từ đồ tươi sống, hoa quả, nhu yếu phẩm… cho đến những mặt hàng thời trang, công nghệ. Hình thức thanh toán cũng rất tiện lợi khi các ứng dụng đều liên kết với hệ thống Internet Banking của các ngân hàng mà tôi đang sử dụng”, chị Ngọc cho biết.
Giống như chị Ngọc, nhiều người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng dần chuyển sang mua hàng trực tuyến khi số lượng các đơn hàng online tăng đáng kể thời gian qua – theo ghi nhận của các sàn thương mại điện tử lớn.
Báo cáo với tên gọi Di chuyển cộng đồng (Community Mobility Report) được Google thực hiện tại 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 cũng cho thấy, tại Việt Nam, so với thời điểm ngày 16/2, số người tới những địa điểm như nhà hàng, quán cà phê, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim đã giảm 52%.
Số người tới các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc giảm 29%; công viên giảm 33%; tới các điểm trung chuyển giao thông như bến xe, sân bay giảm 49%; tới nơi làm việc giảm 20%. Và số người ở nhà đã tăng 16%.
Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương cho biết, loại hình kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người cần tiếp tục được khuyến khích.
Mới đây, Cổng thông tin thương mại điện tử iPrice đã phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu như SimilarWeb, App Annie và YouNet Media thực hiện báo cáo tổng kết hoạt động của các sàn thương mại điện tử Việt Nam.
Theo đó, khi phân tích hành vi khách hàng, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng có đến 45% số khách hàng truy cập vào các sàn thương mại điện tử bằng cách gõ trực tiếp địa chỉ website vào trình duyệt chứ không cần tìm trên Google hay click vào quảng cáo. Con số này cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu là 27,49% (theo SimilarWeb, 2019).
“Như vậy, mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đã trở thành một phản xạ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Mỗi khi xuất hiện nhu cầu, họ sẽ mở ứng dụng yêu thích trên điện thoại hoặc gõ địa chỉ website và truy cập ngay chứ ít phải đắn đo tìm kiếm hoặc lựa chọn như trước”, báo cáo nhận định.
Đại diện của công ty đo lường mạng xã hội YouNet Media cũng cho biết, thương mại điện tử là một trong những ngành được quan tâm nhất trên mạng xã hội trong năm 2019, thu hút hàng triệu lượt thảo luận mỗi tháng. Thông tin này một lần nữa chứng minh cho độ phổ cập của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh của các “ông lớn”
Dù tốc độ tăng trưởng khá ngoạn mục trong thời gian qua nhưng thương mại điện tử vẫn là sân chơi khốc liệt, chủ yếu là cuộc cạnh tranh của các ông lớn như Shopee, Thegioididong, Sendo, Tiki, Lazada.
Thời gian tới sẽ là cuộc đua của các sàn thương mại điện tử |
Theo Báo cáo của iPrice, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt/ tháng. Theo sau lần lượt là Thegioididong, Sendo, Tiki và Lazada.
Năm 2020, cuộc đua báo hiệu sẽ tiếp tục nóng khi lần lượt 4 sàn thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tung ra tính năng livestream trên ứng dụng di động, song song với phát triển cơ sở hạ tầng và cạnh tranh về giao hàng nhanh trong 3 giờ, 2 giờ và thậm chí là 1 giờ.
“Sàn thương mại điện tử đang manh nha tạo ra những giá trị mới, thực chất hơn nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời giảm lệ thuộc vào các chương trình giảm giá như trước đây. Chỉ có như vậy, các sàn thương mại điện tử mới có thể tiếp tục tăng trưởng và có lợi nhuận về lâu dài”, báo cáo của iPrice nhận định.
Giải thích thêm về kế hoạch của công ty trong năm 2020, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee, cho biết: “Shopee nhận thấy xu hướng mua sắm trực tuyến trong năm 2020 sẽ được tăng cường tính cá nhân hóa, tương tác và xã hội hóa. Theo đó, chúng tôi giới thiệu cải tiến mới nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm mua sắm trực tuyến có tính cá nhân và giải trí cao”.
Từ góc nhìn của một công ty nội địa, đại diện của sàn thương mại điện tử Fado.vn cũng đánh giá rằng dịch vụ khách hàng, các chương trình giữ chân khách hàng và năng lực hậu cần tốt sẽ là 3 yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của các công ty thương mại điện tử trong thời gian tới.