Kiến nghị dùng ngân sách khoanh nợ cho “tàu 67”
Gỡ khó xử lý nợ xấu “tàu 67” | |
Cho vay 'tàu 67': Ngành Ngân hàng đã chủ động cơ cấu lại nợ cho ngư dân | |
Khánh Hòa: Giải quyết khó khăn trong cho vay “tàu 67” |
Cần gỡ nút thắt pháp lý
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cuối tháng 2/2022, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế cho phép khoanh nợ đối với các trường hợp tàu khai thác thủy sản hoạt động kém hiệu quả, tàu nằm bờ trong thời gian chờ chuyển đổi ngành nghề, NHNN đã có văn bản gửi Chính phủ, nêu quan điểm và giải trình thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng trong Chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển thủy sản.
Theo đó, Vụ Tín dụng cho biết, đến thời điểm cuối năm 2021, tổng dư nợ của chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển thủy sản khoảng 9.520 tỷ đồng, tương đương với 1.132 tàu còn dư nợ. Hiện tỷ lệ nợ xấu của chương trình tín dụng này là khá cao, đến từ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cần có cơ chế hỗ trợ tiền bảo trì cho các tàu cá nằm bờ quá lâu do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng |
Lý giải nguyên nhân, các ngân hàng có dư nợ tín dụng theo chương trình này cho biết, là do số tàu cá hoạt động cầm chừng, không trả được nợ gốc và lãi theo đúng cam kết chiếm tỷ lệ cao (chiếm trên 87% tổng số tàu còn dư nợ, trong đó đã có 349 tàu hiện đã chuyển sang nợ xấu và trên 300 tàu có nguy cơ bị chuyển nợ xấu trong thời gian tới). Ngoài ra, việc quản lý và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cũng gặp thách thức bởi tàu cá là tài sản đặc thù, khả năng phát mãi không cao, khó quản lý, dễ suy giảm giá trị và việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật còn chậm trễ.
Đối với đề xuất của UBND tỉnh Kiên Giang, Vụ Tín dụng cho rằng Nghị định 67/2014 và các văn bản sửa đổi bổ sung không quy định cơ chế khoanh nợ đối với các trường hợp tàu khai thác thủy sản hoạt động kém hiệu quả, tàu nằm bờ trong thời gian chờ chuyển đổi ngành nghề. Nếu Chính phủ xem xét kiến nghị từ địa phương thì cần nghiên cứu làm rõ nguồn vốn được sử dụng để khoanh nợ là lấy từ ngân sách Trung ương hay địa phương, vì khi khoanh nợ lãi các khoản vay vẫn phát sinh. Nếu ngân sách Trung ương trích ra để hỗ trợ khoanh nợ thì cần bố trí cho 27 địa phương ven biển đang triển khai chính sách tín dụng này.
Từ góc độ quản lý, hiện NHNN đã chỉ đạo hệ thống NHTM tại 27 tỉnh, thành ven biển rà soát đánh giá, từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng nguyên nhân; phối hợp với các sở, ban, ngành để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp. Mới đây, Bộ NN&PTNT lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 67, NHNN cũng đã kiến nghị bổ sung quy định cơ cấu lại nợ được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng, đồng thời sửa đổi cơ chế chuyển đổi chủ tàu quy định tại Nghị định 67 để phù hợp hơn với thực tế.
Nhiều địa phương đồng thuận
Trao đổi về những kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý nợ xấu phát sinh trong chương trình tín dụng cho vay theo Nghị định 67, ông Phạm Văn Trịnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho rằng kiến nghị dùng ngân sách để hỗ trợ khoanh nợ cho các tàu cá đang vướng nợ xấu của tỉnh Kiên Giang là khá hợp lý. Bởi theo ông Trịnh, nguyên nhân chính phát sinh nợ xấu có cả các nguyên nhân chủ quan đến từ phía chủ tàu (như: năng lực khai thác yếu kém, việc vận hành khai thác tàu vỏ thép không hiệu quả, chây ỳ không trả nợ...) nhưng cũng gồm cả những nguyên nhân khách quan, như: ngư trường khai thác không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản suy kiệt; thiên tai, dịch bệnh...
Ông Trịnh cho hay, hiện nay Điều 12, Nghị định 55/2016 (đã được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 116/2018) cho phép UBND cấp tỉnh được khoanh nợ 2-3 năm với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Quy định này nêu rõ: “Các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi TCTD không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách Nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách Trung ương”. Chính vì vậy, chúng ta có thể vận dụng pháp lý này để tạo cơ chế khoanh nợ đối với các khoản nợ phát sinh do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng từ chương trình tín dụng phát triển thủy sản.
“Riêng tại Bình Thuận, sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề về việc xử lý nợ cho vay “tàu 67”, trong đó sẽ đề cập kiến nghị dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ khoanh nợ cho ngư dân”, ông Trịnh cho biết.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Lê Duy - Phó Giám đốc Agribank Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc hỗ trợ chủ tàu và ngư dân vay vốn theo Nghị định 67 là hết sức cần thiết và cần phải tháo gỡ nhanh những nút thắt pháp lý để các TCTD có thể kịp thời hỗ trợ người vay. Ông Duy cho rằng nếu được ngân sách Trung ương và địa phương khoanh, giãn nợ với thời hạn hợp lý, cộng thêm các chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ về giá xăng dầu, hỗ trợ tiền bảo dưỡng tàu cá, tàu hậu cần nằm bờ quá lâu, hỗ trợ chuyển đổi chủ tàu với các ưu đãi, lợi ích cụ thể cho người nhận chuyển nhượng thì cơ hội xử lý các khoản nợ xấu “tàu 67” sẽ nhiều hơn, khả năng trả nợ cũng sẽ cao hơn.
Tương tự, đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang cũng cho hay, tính đến cuối tháng 1/2022, các TCTD tại tỉnh này đã cho vay khoảng 2.830 tỷ đồng đối với trên 1.400 tàu cá, tàu hậu cần nghề cá. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 các NHTM cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 13 chủ tàu với dư nợ trên 200 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp địa phương và UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có kiến nghị Chính phủ đề xuất cơ chế khoanh nợ cho ngư dân và chủ tàu. Nếu đề xuất này được chấp thuận và triển khai thì quá trình xử lý nợ xấu “tàu 67” trong thời gian tới sẽ nhanh hơn.