Kiến tạo các động lực phục hồi kinh tế
Kiều hối bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế | |
Kinh tế xanh sẽ là tiền đề để phát triển bền vững | |
Triển vọng kinh tế 2022 dựa trên khả năng phục hồi kỹ thuật số và "nền kinh tế trải nghiệm" |
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Cần có tư duy mới trong cải cách thể chế
Cải cách thể chế, thủ tục hành chính là cấp thiết và quan trọng trong quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Thực tế, thủ tục hành chính truyền thống và có ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi mới của doanh nghiệp, người dân. Từ đó, cần thay đổi tư duy, rõ ràng cải cách thủ tục hành chính không phải là số hóa thủ tục hành chính mà phải thiết kế thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số, sinh hoạt số.
Điều này cũng cần áp dụng triệt để khi thiết kế chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Thống kê cho thấy, các chính sách được doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất là chính sách không cần thủ tục hành chính. Do vậy, các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế phải gắn với giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính không hợp lý và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong thực hiện, không để thủ tục trở thành rào cản, tạo sự không công bằng trong tiếp cận và làm méo mó môi trường kinh doanh, nguồn lực không được phân bổ đúng chỗ.
Tác động nặng nề của đại dịch đã khiến chúng ta nhận ra cải cách thể chế phải được thực hiện nhanh và mạnh mẽ, thể chế phải đi trước để tạo động lực cho quá trình phục hồi kinh tế. Đặc biệt, sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, các bộ ngành, giữa địa phương với địa phương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu không kết hợp tốt, có thể tạo ra những điểm nghẽn trong hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng |
PGS.TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế:
Đầu tư công phải tăng cả “chất” và “lượng”
Động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước năm 2022 vẫn sẽ là ba trụ cột “xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng nội địa”; trong đó, đầu tư công sẽ là yếu tố then chốt.
Tuy nhiên, giải ngân vốn ngân sách nhà nước 11 tháng mới chỉ đạt 63,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 và chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, trong thời gian tới cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công, điều này vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.
Song cũng phải tính toán hiệu quả, không phải giải ngân bằng mọi giá trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Phải hướng đầu tư công vào phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, tạo sự lan tỏa tới các ngành nghề kinh tế khác. Đồng thời, nêu cao vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện và cải cách các thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư. Chính phủ cũng cần thành lập tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công tại các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương nhằm tăng cường nắm bắt tình hình, bám sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam:
Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch bệnh. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, sẽ có rất nhiều động lực phát triển tác động tích cực đến nền kinh tế. Để làm được điều này, Chính phủ cần kiên trì với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian qua đã có tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Điều này được thể hiện qua con số 11.902 doanh nghiệp gia nhập thị trường với vốn đăng ký là 149.861 tỷ đồng, cùng với 4.958 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chỉ trong tháng 11. Đây là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động cao nhất kể từ tháng 4/2021, khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta.
Rõ ràng có thể thấy, Nghị quyết 128/NQ-CP đã tạo ra sự thay đổi lớn, trả lại không gian phát triển kinh tế, quyền tự do lưu thông hàng hóa, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Điều này đối với doanh nghiệp còn có giá trị hơn nhiều gói hỗ trợ, họ có thể tự chữa lành các “tổn thương” do đại dịch gây ra bằng chính năng lực của mình. Trong giai đoạn tới đây, Chính phủ cần kiên trì mục tiêu này để phát huy được sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
TS. Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp:
Cải thiện thị trường lao động trong nước
Thực tế, Việt Nam đang có lợi thế dân số “vàng” với 55 triệu lao động, nhưng chỉ có 24,5% lao động có chứng chỉ, bằng cấp. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề của nước ta có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức thấp, hiện xếp ở 97/140 quốc gia, vẫn còn khoảng cách rất xa với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với thế giới.
Dịch bệnh gây ra sức ép nặng nề lên thị trường lao động, cuộc “di dân” không mong muốn đã diễn ra khi hàng triệu người lao động rời thành phố về quê. Có thể nhận định, các kịch bản phục hồi kinh tế là khác nhau nhưng điểm chung đó là vai trò quan trọng của người lao động, nhất là lao động có kỹ năng, khi các hoạt động sản xuất phục hồi.
Chính vì vậy, bên cạnh các trụ cột quan trọng khác, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, đẩy nhanh đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề, trang bị những kỹ năng mới cho người lao động, không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động hiện tại mà là thị trường lao động trong 5 năm, 10 năm tới. Về phía doanh nghiệp, cần tập trung cập nhật thông tin, thay đổi nhận thức về nguồn nhân lực, nắm bắt cơ hội, hành động mau lẹ để tranh thủ các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề. Trong dài hạn, cần xây dựng chiến lược và có lộ trình phát triển nhân lực thích ứng với bối cảnh tái cấu trúc kinh tế và cách mạng công nghiệp 4.0.