Kinh tế 2016: Điểm thành quả, đếm thách thức
Ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu | |
Kinh tế sẽ “sáng” khi các thách thức được giải quyết | |
Chính phủ hành động và kết quả hôm nay |
Những kết quả đáng ghi nhận
Trước bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam đạt được một số thành quả đáng ghi nhận trong năm 2016. Nổi bật là ổn định KTVM tiếp tục được duy trì, lạm phát ước trong khoảng 4,75%-4,9%, lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức dưới 2%.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho biết: vốn FDI và ODA đăng ký và giải ngân trong năm qua tiếp tục tăng cao, khối ngoại mua ròng trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu ở mức cao nhất trong 3 năm qua… giúp gia tăng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Dù còn nhiều thách thức nhưng kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong năm 2017 |
Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định (duy chỉ có biến động nhẹ vào cuối năm do yếu tố mùa vụ, đón đầu khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 12 - thực tế đã xảy ra - và một chút ảnh hưởng tâm lý của việc USD tăng giá trên thị trường thế giới sau kết quả bầu Tổng thống Mỹ), nguồn cung ngoại tệ khá dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư, vốn FDI tăng khá so năm 2015 và đặc biệt là niềm tin vào VND và sự ổn định KTVM ngày càng được nâng cao (phản ánh rõ qua chỉ số CDS giảm khoảng 40% so với đầu năm).
Những yếu tố trên giúp cho cán cân thanh toán tổng thể có sự đảo chiều tích cực sang thặng dư khá cao (dự báo tương đương năm 2014) so với mức thâm hụt hơn 6 tỷ USD vào cuối năm 2015. NHNN đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục 40 tỷ USD.
Thâm hụt NSNN cũng có dấu hiệu bớt áp lực hơn, thu NSNN mặc dù chỉ tăng ở mức 4,1% song chi NSNN cũng tăng thấp hơn, ước tính ở mức 2,7% so với thực hiện năm 2015 nên bội chi NSNN sẽ thấp hơn so với năm 2015. Việc cơ cấu lại nợ trong nước, phát hành thành công TPCP kỳ hạn dài và lãi suất phát hành bình quân giảm mạnh (từ mức 12%/năm năm 2011 xuống còn 6,5%/năm 2016) đã giúp tăng kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ, thời gian đáo hạn trung bình danh mục nợ trong nước của Chính phủ tăng từ 4,4 năm vào năm 2013 lên 5,6 năm vào cuối năm 2015.
Ổn định KTVM cũng giúp niềm tin của các NĐT ngày càng được củng cố. “Ổn định là cụm từ chính mà chúng ta thấy ở Việt Nam trong năm 2016 - năm mà Việt Nam có Chính phủ mới, năm mà thế giới có nhiều bất ổn nhưng ở đây, mọi thứ đều trong tầm kiểm soát. Điều đó tạo cho chúng tôi một cảm giác rất yên tâm rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn” - bà Natasha Olegovna Answell, Tổng giám đốc CitiBank Việt Nam nói tại một sự kiện gần đây.
“Việt Nam đã duy trì được nền tảng KTVM ổn định và tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2016. Nhiều nước rất ngưỡng mộ và muốn có được một tốc độ tăng trưởng GDP 6% như Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, chúng tôi xin được chúc mừng Việt Nam vì những thành quả này” - ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định.
Vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết
Các dự báo gần đây cho thấy, tăng trưởng kinh tế, thương mại, giá cả hàng hóa cơ bản… trên toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2017 qua đó sẽ tạo những tiền đề thuận lợi hơn cho xuất khẩu, thu NSNN của Việt Nam. Nhiều khả năng các nước phát triển tiếp tục CSTT nới lỏng (trừ Mỹ có xu hướng thắt chặt hơn) tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp vào trong nước.
Mức tăng trưởng tiềm năng tiếp tục đà cải thiện kể từ năm 2013 nhờ tái cơ cấu nền kinh tế bước đầu phát huy tác dụng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, đầu tư tư nhân gia tăng, và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Đây là những cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thuận lợi và khả quan hơn trong năm 2017 và xa hơn.
Nhưng kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nhiều yếu tố bất định và khó lường hơn ở năm 2017 sẽ có những tác động nhiều chiều tới Việt Nam. Khi TPP hoãn thông qua hay Mỹ sẽ nới lỏng hơn chính sách tài khóa trong khi thắt chặt nhanh hơn CSTT có thể tác động nhất định đến tâm lý của các NĐT nước ngoài tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Đối với ổn định KTVM, một trong những chỉ số cần tập trung là lạm phát. Nhiều dự báo cho thấy, lạm phát sẽ tăng mạnh hơn trong năm tới mà nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài. Trong đó, dự báo giá năng lượng sẽ làm tăng 2,2% và giá lương thực làm tăng 0,3% đối với lạm phát trên toàn cầu năm 2017 và điều này sẽ tác động đến lạm phát trong nước.
Theo báo cáo của UBGSTCQG, tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát từ năm 2016 sang năm 2017 tại Việt Nam sẽ không lớn do hệ số thâm dụng tín dụng trong năm 2016 ước giảm so với năm 2015, hệ số chênh lệch tín dụng năm 2016 ước chỉ ở mức 1,5% GDP và tốc độ vòng quay tiền tệ đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Bên cạnh yếu tố bên ngoài, thì lạm phát trong năm 2017 sẽ còn phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh giá dịch vụ công. UBGSTCQG dự báo hai kịch bản với lạm phát năm tới: nếu giá dịch vụ công không điều chỉnh thì lạm phát dự báo ở mức khoảng 4%; nếu giá dịch vụ công điều chỉnh bằng nửa mức điều chỉnh trong năm 2016, lạm phát dự báo ở mức 5%.
Với kinh tế vĩ mô là vậy, kinh tế vi mô cũng vẫn còn có những bất lợi. Năm 2017, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ thuận lợi hơn. Nhưng nền kinh tế cũng sẽ đối mặt không ít khó khăn do môi trường thế giới bất định, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tái cơ cấu còn chậm, nợ công ở mức cao, tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; áp lực thâm hụt NSNN, nợ công tiếp tục tăng cao và áp lực trả nợ lớn… vẫn là những vấn đề cần giải quyết trong năm 2017 và đòi hỏi một quyết tâm lớn hơn quyết tâm và nỗ lực đã đặt ra, đã làm được trong năm 2016.
“Tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2015 chủ yếu do sự giảm tốc của ngành nông nghiệp và sụt giảm của ngành khai khoáng vì giá dầu ở mức thấp trong khi, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, đây chỉ là sự sụt giảm tổng cung trong ngắn hạn mang tính chất chu kỳ. Kết quả của chỉ số LEI (được hình thành từ các chỉ số kinh tế thành phần có tính chu kỳ bao gồm: Chỉ số nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép; chỉ số dẫn báo tài chính; Chỉ số nhập khẩu máy móc thiết bị) công bố hàng tháng của UBGSTCQG cho thấy, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy trong quý III/2016 và báo hiệu tổng cầu sẽ hồi phục trong năm 2017” – báo cáo của UBGSTCQG nhận định. |