Kinh tế sẽ “sáng” khi các thách thức được giải quyết
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng | |
Tìm đột phá cho tăng trưởng | |
Tăng chất vốn cho nền kinh tế |
Tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện mạnh
Báo cáo Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á quý IV/2016 của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) công bố ngày 7/12 vừa qua cho rằng, trong khi đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài khiến sản lượng nông nghiệp thấp, sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại là những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng GDP giảm nhẹ xuống 5,9% trong ba quý vừa qua.
Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng cùng nhận định này. Theo đó, lạm phát tuy đã tăng lên trong những tháng gần đây (sau khi xuống mức thấp kỷ lục năm 2015) nhưng dự kiến cả năm vẫn thấp hơn so với mục tiêu 5% đặt ra. Thặng dư tài khoản vãng lai cũng tiếp tục được cải thiện chủ yếu do nhập khẩu chậm lại, dòng vốn FDI vẫn chảy vào mạnh. Nhờ kinh tế đối ngoại tiếp tục được cải thiện, tỷ giá được giữ ở mức khá ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên.
Các tổ chức nước ngoài nhìn nhận triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam tích cực |
Đồng thời với đó, việc Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh đến tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng được các định chế tài chính nước ngoài đánh giá cao. WB và nhiều tổ chức nước ngoài đã ghi nhận những thành tựu vững chắc trong tiến trình chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam thời gian qua.
Theo đó, các cấu phần tái cơ cấu trọng tâm từ khu vực tài chính – ngân hàng, DNNN và đầu tư công đều có những tiến triển; hay để xử lý những quan ngại về bền vững tài khóa trong trung hạn, Kế hoạch ngân sách trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV vào tháng 11/2016 vừa qua, trong đó đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% GDP năm 2020.
Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô ổn định và xu hướng cải cách đó, WB cho rằng triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% trong năm nay và sẽ tăng lên 6,3% trong năm tới. Các con số này thấp hơn một chút so với dự báo của Ngân hàng HSBC với các con số tương ứng là 6,2% và 6,5%. Còn theo báo cáo của ICAEW, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 6% trong năm 2016 và có thể tăng mạnh lên mức 6,7% trong các năm 2017 và 2018.
Nhìn vào một số dự báo như vậy có thể thấy, triển vọng kinh tế năm 2017 dù chưa phải đã rất tốt nhưng cũng sáng sủa hơn nhiều so với năm nay, với mức tăng trưởng GDP tăng thêm dự báo sẽ khoảng từ 0,3 – 0,7%. Tất nhiên, không hẳn các định chế tài chính nước ngoài đơn giản cứ vẽ ra một bức tranh lạc quan cho Việt Nam trong năm tới để rồi nếu cần lại điều chỉnh. Họ có những căn cứ của họ từ những gì diễn ra trong thực tế và những gì mà dưới góc nhìn của mình, họ kỳ vọng sẽ diễn ra.
Trả lời phỏng vấn của Hãng tin Bloomberg ngày 7/12 vừa qua, NĐT huyền thoại Mark Mobius - Chủ tịch Quỹ Franklin Templeton Investments (Mỹ) tái khẳng định về triển vọng tích cực của các thị trường mới nổi. “Việc đồng USD mạnh lên cũng có nghĩa là đồng nội tệ ở các nền kinh tế mới nổi yếu đi và điều này giúp cho DN ở các thị trường này xuất khẩu vào Mỹ và các thị trường khác có hoạt động tốt hơn.
Thực tế đến nay cho thấy, dù thị trường toàn cầu khó khăn nhưng nhìn chung các thị trường mới nổi vẫn trong xu hướng đi lên. Và nếu để nói đến những thị trường sáng nhất thì theo tôi, có thể kể đến Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc” – ông Mark Mobius nhận định.
Là tổ chức tài chính trực tiếp hoạt động trên thị trường Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới sẽ còn những biến động khó lường trong năm tới nhưng kỳ vọng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. “Xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới.
Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đã ký, đang đàm phán hoặc sẽ ký với các nước đối tác” – vị này nhận định. Bên cạnh đó, CEO này cũng tin rằng, những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán sẽ giảm dần, qua đó tác động tiêu cực tới tăng trưởng chung sẽ giảm đi. Quan trọng hơn, các cam kết của Chính phủ Việt Nam về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và DNNN sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.
Song hành giải quyết thách thức ngắn và dài hạn
Theo WB, mức tăng trưởng tương đối cao của Việt Nam đạt được trong năm nay một phần là nhờ tín dụng tiếp tục tăng nhanh và những hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Những biện pháp này có thể kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn - nhưng nếu kéo dài – sẽ làm gia tăng những rủi ro đối với tài khóa, tài chính và ổn định vĩ mô trong trung hạn, nhất là trong bối cảnh các khoản nợ xấu trước đây vẫn chưa được xử lý triệt để; bội chi ngân sách kéo dài và nợ công tiếp tục tăng nhanh.
Bên cạnh đó, một môi trường bên ngoài bất định hơn như khả năng Fed tăng lãi suất, xu hướng đồng USD tiếp tục mạnh lên, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, chống toàn cầu hóa từ chính những cường quốc kinh tế như Mỹ… có thể tác động lớn đến xuất khẩu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Về trung và dài hạn các tổ chức quốc tế cho rằng, thách thức lớn nhất chính là việc triển khai những hành động quyết liệt, cụ thể để thực hiện các cam kết đưa ra, đặc biệt liên quan đến vấn đề cải cách, tái cơ cấu các lĩnh vực trọng điểm và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Chuyển đổi cơ cấu nếu triển khai chậm trễ sẽ làm suy yếu viễn cảnh tăng trưởng trong trung hạn” – báo cáo của WB cảnh báo.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, năm 2017 Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện ba mục tiêu cải cách mà Quốc hội đã đề ra là đầu tư công, các DNNN và khu vực tài chính. “Thực hiện quyết liệt những mục tiêu này sẽ không chỉ giúp nền kinh tế năm 2017 mà còn tạo động lực để cải thiện những tiền đề căn bản của nền kinh tế, giúp nền kinh tế chịu đựng được những cú sốc từ bên ngoài trong tương lai” – ông Hải nhấn mạnh.
Từ góc độ hội nhập, bà Priyanka Kishore, cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức Oxford Economics cho rằng, việc tham gia mạnh mẽ vào các FTA và các dòng đầu tư thời gian qua đã giúp các nền kinh tế như Việt Nam thành công trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Những thành công tiếp theo của Việt Nam sẽ thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp tục tận dụng các cơ hội tăng cường giao dịch thương mại với những nền kinh tế có thu nhập cao cũng như việc tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư và công nghệ đến đâu” - bà Priyanka Kishore nhận định.
Các tổ chức nước ngoài và chuyên gia cũng cho rằng, FDI vẫn là động lực quan trọng giúp Việt Nam đạt được các thành tựu về thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết thời gian tới là làm sao đẩy mạnh được sự kết nối, lan tỏa – đặc biệt về công nghệ và cung ứng - giữa khu vực FDI với các DN trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án FDI, đặc biệt là các tác động tới môi trường. “Bài học của Trung Quốc và một số quốc gia khác cũng như chính Việt Nam trong thời gian qua khi phát triển các ngành công nghiệp nhưng thiếu kiểm soát tác động của môi trường đáng để chúng ta suy ngẫm và ứng xử cho phù hợp. Chúng ta cần phát triển kinh tế, nhưng là một nền kinh tế bền vững để phát triển môi trường sống cho các thế hệ đi sau” – ông Hải khuyến nghị.