Chính phủ hành động và kết quả hôm nay
Muốn tăng trưởng phải biết tiết kiệm | |
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm | |
Thách thức vượt qua khó khăn kinh tế |
Tổng thể kinh tế Việt Nam trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2016 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 28/10/2016 cho thấy những chuyển biến tốt hơn so với 6 tháng đầu năm.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát và mặt bằng lãi suất trong tầm kiểm soát, tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao so với hầu hết các nước trong khu vực… Số DN đăng ký thành lập mới trong quý III và 9 tháng đầu năm tăng tương ứng là 15,77% và 19,2%.
Tái cơ cấu DNNN là một trong 3 trụ cột của tái cơ cấu nền kinh tế |
Hành động và kết quả
Những chuyển biến đó được tạo nên bởi hiệu quả từ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Niềm tin thị trường, niềm tin của cộng đồng DN ngày một gia tăng. Chính phủ đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hướng tới cải thiện khả năng cạnh tranh và năng suất lao động trong trung và dài hạn...
Kết quả mang lại là tốc độ tăng trưởng trong quý III/2016 đã được cải thiện so với các quý trước đó với GDP quý III/2016 tăng 6,62%. Đây là mức cao hơn so với cùng kỳ những năm 2011-2015.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách vi mô có phần chưa tương xứng với kỳ vọng, nhất là các phương diện như cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa thương mại, tái cơ cấu DNNN...
Bối cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm tiếp tục chứng kiến sự giao thoa mạnh mẽ giữa chuyển biến tích cực và thách thức, giữa nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và xử lý các vấn đề tái cơ cấu, cũng như giữa cải cách trong nước và hội nhập. Và giữa một thế giới còn nhiều khó khăn, bất định, “những thành tựu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... vẫn rất đáng trân trọng”, CIEM đánh giá.
Còn TS.Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu “đặt trong bối cảnh thuận lợi chưa mấy có thêm, nhưng khó khăn lại gay gắt hơn nhiều, kết quả đạt được như vừa qua thật không dễ dàng, đáng được ghi nhận. Công sức, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là ở mức rất cao”.
Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, quý IV và cả năm 2016 (Đơn vị: %) |
CIEM đã phác thảo lại hành động của Chính phủ tạo nên bức tranh kinh tế hôm nay. Đó là sau khi kiện toàn, Chính phủ tập trung xây dựng và tạo đà thực hiện các chính sách kinh tế mới. Chính phủ mới đã thống nhất: quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch; liêm minh, quyết liệt hành động, lấy nhân dân và DN làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Chính phủ đã tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy lợi ích quốc gia và phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất. Thể chế, pháp luật, tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo công khai minh bạch, hội nhập quốc tế. Đặc biệt là Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ mạnh mẽ gắn với thượng tôn pháp luật.
Kết quả là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tương đối cao so với nhiều nước ở khu vực và trên thế giới. Điều đó cho thấy Việt Nam tiếp tục đi đúng hướng với công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, đúng liều lượng và có sự điều phối chặt chẽ của nhiều bộ, ngành.
“Chính phủ mới dù mới chỉ hoạt động được 6 tháng nhưng đã thể hiện quyết tâm rất lớn và hành động quyết liệt. Ba tháng còn lại sẽ tiếp tục phải nỗ lực cao nhất để cơ bản thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ cả năm”, theo ông Hồ.
Cần chủ động hơn từ chính sách tài khóa
CIEM cho rằng tính chung cả 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đứng ở mức 5,95%, và nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, trong quý IV/2016, tốc độ tăng GDP phải đạt ít nhất 7,5%.
Thủ tướng vừa một lần nữa khẳng định trước Quốc hội quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,3-6,5%. Còn CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV/2016 ước đạt 7,19%. Tính chung cả năm 2016, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,33%. Tăng trưởng xuất khẩu quý IV và cả năm 2016 dự báo tương ứng ở mức 8,82% và 7,44%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD trong quý IV, và lũy kế đạt 4,8 tỷ USD cho cả năm 2016. CPI tiếp tục tăng, dự báo ở mức 1,47% trong quý IV.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cả nước 9 tháng năm 2016 (Đơn vị: %) |
Trước các hành động và quyết tâm của Chính phủ, cộng với tình hình kinh tế đến quý III này, ông Hồ bày tỏ: Cần quán triệt quan điểm không cố đạt tăng trưởng bằng mọi giá, mà phải bảo đảm được chất lượng, hiệu quả cần thiết, không gây thêm khó khăn cho tăng trưởng ở bước sau.
Theo ông, lạm phát nhiều khả năng sẽ dưới 5%. Thu chi ngân sách cũng gặp nhiều khó khăn vì đã qua 3/4 chặng đường nhưng mức thực hiện chỉ được khoảng 2/3, bội chi có thể lớn hơn năm 2015. Thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao khiến dư địa tài khoá càng thu hẹp.
Mặc dù diễn biến kinh tế không nhiều thuận lợi so với kỳ vọng đầu năm 2016, nhưng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội không điều chỉnh. Các giải pháp, định hướng chính sách trong quý III vẫn hướng tới ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho cải cách kinh tế vi mô, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều đó được giới chuyên gia tán thành, và DN cũng rất yên tâm.
Nhìn tới cuối năm, CIEM khuyến nghị tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Và giải pháp để thực hiện, theo CIEM là tiếp tục khẳng định ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành cơ bản tái cơ cấu các NHTM gắn với xử lý nợ xấu; Tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính, bởi áp lực truyền tải từ việc FED có thể tăng lãi suất còn hiện hữu trong quý IV; Điều hành linh hoạt thanh khoản của hệ thống NHTM để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp (nhất là quanh thời điểm FED cân nhắc điều chỉnh lãi suất).
Về chính sách tài khóa, nên tránh lạm thu, thu trước hoặc bổ sung các loại thuế, phí thiếu tính giải trình hợp lý dù có áp lực thu lớn. Cùng với đó, là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ nguồn TPCP nhằm tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí vốn cho NSNN; Hạn chế phát hành TPCP với kỳ hạn trên 10 năm, nhằm bảo đảm đủ tín dụng trung và dài hạn cho DN; Xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ công trong trung và dài hạn nhằm tạo niềm tin và củng cố tính bền vững của nợ công; Cân nhắc việc sớm khống chế trần thâm hụt NSNN ở mức 4% GDP trong thời gian tới (trước năm 2020).