Kinh tế Nga chỉ suy giảm nhẹ trong năm 2022
Nền kinh tế Nga đã chịu nhiều tác động tiêu cực bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhưng diễn biến kinh tế đến nay đã chứng minh không quá đau đớn như lo ngại ban đầu.
Trước đó các dự báo mới nhất từ Bộ Kinh tế Nga vào giữa tháng 8 cho thấy, GDP của nước này sẽ giảm 4,2% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức giảm 12% trong dự báo trước đó - mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng giữa những năm 1990 sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ.
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng Belousov cũng cho biết, bất chấp các lệnh trừng phạt chưa từng có và nhiều công ty nước ngoài rời khỏi Nga, Chính phủ Nga không thấy dấu hiệu nào cho thấy tình hình thị trường lao động đang xấu đi.
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9% vào tháng 6, mức thấp nhất kể từ khi dịch vụ thống kê bắt đầu công bố con số vào năm 1992, theo cơ sở dữ liệu của Eikon.
Còn với lạm phát, sau khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm là 17,8% vào tháng 4 khi đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo ông Belousov, lạm phát cả năm sẽ là 12-13%.
Đáng chú ý theo ông Belousov, xuất khẩu phi hàng hóa sẽ giảm 17% do Nga mất quyền tiếp cận thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nhập khẩu hàng tiêu dùng hầu như đã phục hồi nhờ các tuyến thương mại mới và nhập khẩu song song.
“Nhập khẩu là một vấn đề then chốt, vì hạn chế nhập khẩu là một trong những công cụ, đòn bẩy của toàn bộ logic của các biện pháp trừng phạt đối với nước ta”, ông nói tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ.
Nga đã đưa một loạt các sản phẩm từ các nhà sản xuất ô tô, công ty công nghệ và thương hiệu tiêu dùng nước ngoài vào kế hoạch nhập khẩu song song, nhằm mục đích che chắn cho người tiêu dùng sau khi nhập khẩu thông thường sụt giảm.
Thế nhưng nhập khẩu đầu tư vẫn bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, dự đoán sẽ giảm tới 1/5 trong năm nay. “Tình hình vẫn còn khá khó khăn do hạn chế nhập khẩu thiết bị đầu tư và các lệnh trừng phạt khác”, Belousov nói và dự đoán sự suy giảm đầu tư vốn sẽ đạt mức tối đa trong quý IV năm nay và đầu năm sau.