Kinh tế Nhật có nguy cơ suy thoái sâu hơn
7 tỉnh bị đặt trong tình trạng khẩn cấp
Dịch Covid-19 đang bùng phát nhanh chóng tại Nhật với khoảng 4.000 trường hợp nhiễm bệnh, tăng mạnh từ mức dưới 400 thời điểm cách đây một tháng. Điều đó đang khiến nhiều người tỏ ra lo ngại Nhật có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng như ở Mỹ và một số quốc gia châu Âu nếu không sớm có những hành động quyết liệt.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe hôm thứ Ba (7/4) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 quận bao gồm Tokyo và Osaka, Kanagawa, Saitama, Chiba, Hyogo và Fukuoka; kêu gọi người dân ở nhà trong vòng 1 tháng để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus corona.
Sản xuất, xuất khẩu của Nhật sụt giảm mạnh vì coronavirus |
Tuy nhiên theo ông Abe, ngay cả khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, Nhật Bản sẽ không áp dụng biện pháp đóng cửa như đã được thực hiện ở một số quốc gia. Theo đó, giao thông công cộng sẽ tiếp tục hoạt động và các siêu thị sẽ vẫn mở, đặc biệt chính quyền không áp dụng chế tài xử phạt đối với sự di chuyển của người dân mà chỉ kêu gọi họ ở nhà.
Mặc dù vậy, với việc đẩy một phần lớn sản lượng sản xuất và tiêu dùng của quốc gia vào tình trạng “khóa mềm”, nhiều chuyên gia lo ngại, động thái này có thể khiến kinh tế Nhật bị thu hẹp mạnh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tokyo và 3 tỉnh láng giềng là Kanagawa, Chiba và Saitama, chiếm một phần ba tổng sản phẩm quốc nội của Nhật với quy mô sản lượng tương đương với Canada, trong đó tập trung vào dịch vụ và bán lẻ. Trong khi Osaka là một điểm đến du lịch nổi tiếng, là nơi đóng đô của các nhà sản xuất thiết bị và điện tử Panasonic Corp, Keyence Corp và Sharp Corp.
Thêm vào đó, khu vực Kobe bên cạnh Osaka và Fukuoka cũng là một địa điểm mua sắm yêu thích của du khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật, 7 địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp chiếm khoảng 48% GDP của đất nước mặt trời mọc.
Trong bối cảnh đó, Masamichi Adachi - Nhà kinh tế trưởng Nhật Bản của UBS Securities cho rằng dự báo của ông về sự co lại 18% của kinh tế Nhật trong quý này so với một năm trước đó có thể quá lạc quan.
Tuy nhiên đó là một lựa chọn khó khăn đối với ông Abe trước nguy cơ dịch bệnh có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. “Đó không thực sự là một sự lựa chọn. Bạn phải ưu tiên hạn chế sự lây lan của virus”, chuyên gia kinh tế trưởng Yuichi Kodama của Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda cho biết, “Tôi nghĩ rằng các biện pháp mà chính phủ đã thực hiện cho đến nay là tương đối phù hợp với quyền hạn của họ”.
Chi gần 1.000 tỷ USD để kích thích
Bên cạnh việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Shinzo Abe cũng công bố gói kích thích kinh tế với quy mô lên tới 108 nghìn tỷ yên (988 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đây là gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật và vượt xa mức 60 nghìn tỷ yên (550 tỷ USD) mà đảng cầm quyền của ông Abe đề xuất tuần trước.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, những biện pháp này cũng không thể thúc đẩy được chi tiêu tiêu dùng và đầu tư vốn đã ở mức thấp sau khi Chính phủ Nhật tăng thuế thu nhập, cộng thêm một loạt các cơn bão tàn phá đất nước này vào cuối năm ngoái. Điều đáng sợ là nỗi lo giảm thu nhập đang chuyển thành nỗi lo thất nghiệp và điều đó có thể có tác động lâu dài đến xu hướng tiêu dùng.
“Ngay cả đối với các thành phố chưa thuộc diện phải công bố tình trạng khẩn cấp, mô hình chi tiêu vẫn sẽ thay đổi đáng kể”, Kiichi Murashima - chuyên gia kinh tế của Citigroup cho biết. Vị chuyên gia này cũng dự báo kinh tế Nhật sẽ bị thu hẹp 19,7% trong quý hai. “Tăng trưởng GDP không đơn giản trở lại mức trước khi thuế doanh thu được nâng lên, ngay cả quý cuối cùng của năm nay. Ảnh hưởng của virus corona sẽ không sớm biến mất”.
Tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn khi mà số ca nhiễm bệnh đang gia tăng tại các nhà máy sản xuất của tỉnh Aichi ở miền trung Nhật Bản, với 227 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo vào ngày 5/4, con số lớn thứ tư trong cả nước. Tập đoàn ô tô Toyota có trụ sở tại tỉnh Aichi. Bởi vậy nếu địa phương này cũng bị đặt trong tình trạng khẩn cấp, triển vọng có thể sẽ còn u ám hơn.
Chưa kể nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với hàng trăm ngàn người mất việc ở nước ngoài cũng có nghĩa nhu cầu đối với sản xuất của Nhật khó có thể sớm phục hồi. “Khi việc làm tại Mỹ sụt giảm, xuất khẩu của Nhật cũng giảm”, Hideo Kumano - Nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu cuộc sống Dai-Ichi và một cựu quan chức của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết. “Chúng tôi sẽ thấy tác động của coronavirus chuyển từ lĩnh vực dịch vụ sang sản xuất vào mùa hè này”.
Masamichi Adachi - Nhà kinh tế trưởng Nhật Bản của UBS Securities cũng dự báo, “không có sự phục hồi hình chữ V vì người tiêu dùng sẽ thận trọng ngay cả khi dịch bệnh bắt đầu lắng xuống. Trong khi không ai biết liệu sẽ có một làn sóng thứ hai hay thậm chí là một làn sóng thứ ba”.