Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu đình lạm
Theo báo cáo khảo sát chính thức được công bố vừa qua cho thấy, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 10, chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất hiện đang ở mức thấp.
Ông Zhang Zhiwei, Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết, chỉ số sản xuất hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi được công bố vào năm 2005, ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự bùng phát của Covid-19 vào tháng 2/2020. Trong khi ở chiều ngược lại, chỉ số giá đầu ra đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi được công bố vào năm 2016. Những tín hiệu này xác nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc có khả năng đã và đang trải qua tình trạng lạm phát đình đốn.
Ảnh minh họa |
Lạm phát đình đốn hay đình phát là khi nền kinh tế đồng thời trải qua hoạt động đình trệ và tăng tốc lạm phát. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi một cú sốc dầu mỏ khiến giá cả leo thang kéo dài nhưng tăng trưởng GDP lại giảm mạnh. Một dấu hiệu đáng lo ngại là lạm phát chuyển từ giá đầu vào sang giá đầu ra. Lạm phát giá đầu vào đã ở mức cao trong nhiều tháng do giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao và bắt đầu phản ánh ở giá đầu ra, đặc biệt sự tăng vọt của chỉ số giá đầu ra trong tháng 10 là đáng báo động.
Áp lực lạm phát đang được truyền từ các công ty “thượng nguồn” xuống “hạ nguồn”. “Thượng nguồn” đề cập đến nguyên liệu đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa, trong khi hoạt động “hạ nguồn” là những hoạt động gần gũi hơn với khách hàng là nơi sản phẩm được tạo ra và phân phối.
Ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của ANZ chỉ ra rằng ngành công nghiệp Trung Quốc đang ở trong một tình huống rất khó khăn.
Theo kết quả khảo sát của Capital Economics, sản lượng của nhà máy bị kìm hãm do nguồn cung điện giảm, thiếu nguyên liệu và chi phí đầu vào cao. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng, vì nước này phải vật lộn với tình trạng thiếu than. Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức. Mức tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái được ghi nhận trong quý III là mức chậm nhất trong năm và đáng thất vọng do hoạt động công nghiệp tăng ít hơn dự kiến. Theo các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, điều đó đã bỏ lỡ kỳ vọng tăng 5,2%. Sản xuất công nghiệp tăng 3,1% trong tháng 9, thấp hơn mức 4,5% mà Reuters dự đoán.
Bên cạnh tình trạng suy thoái nguồn điện đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy, sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, đầu tư vào tài sản cố định trong ba quý đầu năm yếu hơn dự kiến. Nó chỉ tăng 7,3% so với một năm trước và thấp hơn so với dự kiến là 7,9%.
Ông Chaoping Zhu, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management cho biết, các hoạt động đầu tư đã bị giảm bớt do các điều kiện tín dụng thắt chặt. Ước tính đầu tư tài sản cố định đã giảm 2,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ, chủ yếu kéo theo sự sụt giảm 3,5% vào đầu tư bất động sản.