Kinh tế tuần hoàn: Cần lực đẩy từ chính sách
Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế tuần hoàn Phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp |
Tại Việt Nam, KTTH cũng đã từng bước được đề cập trong các văn bản chiến lược, kế hoạch và đề án như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhấn mạnh phương hướng “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”… Đặc biệt, điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cung cấp hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, lộ trình, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH.
Những mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ở cấp độ chuỗi, nhóm và các doanh nghiệp riêng lẻ cũng đang hình thành. Như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tuần hoàn lại nước trong quá trình tuyển than giúp tiết kiệm nước, thu lại được than.
Hay như Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền từ khi bắt đầu dự án từ năm 2018, đã xây dựng hệ thống hạ tầng phụ trợ xử lý phát thải, thu hút các nhà đầu tư tổng hợp chứ không chuyên biệt để có thể tận dụng phụ phẩm, phế thải của nhau làm đầu vào cho sản xuất. Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai là công ty duy nhất ở Việt Nam có nhà máy giặt xử lý nước tuần hoàn với mức đầu tư 1,5 triệu USD, tái sử dụng nước thải hoàn toàn 99% và 1% còn lại xử lý cho bay hơi. Công ty TNHH Công Nghệ Sinh Fuwa sử dụng vỏ dứa chiết xuất Enzyme làm các sản phẩm tẩy rửa vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo sức khỏe bền lâu cho con người. Hiện sản phẩm của công ty mặt tại các quốc gia: Mỹ, Canada, Đức, Ý, Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia.
Mặc dù KTTH đã được lồng ghép vào các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng, song chưa thực hiện đồng bộ ở phạm vi rộng. Thực tế này cho thấy nhất thiết phải có một chính sách hoàn thiện, chủ trương thống nhất nhằm tiến tới triển khai hiệu quả.
TS. Trần Thị Thúy Hằng, Khoa Kinh tế học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng trước hết cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối về khâu thu hồi, phân loại và tái chế sản phẩm trong Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp tái chế. Cần lên kế hoạch thành lập các khu công nghiệp sinh thái nhằm kết nối các nhà sản xuất, cho phép họ chia sẻ cơ sở hạ tầng và buôn bán các sản phẩm thải theo những cách mà các mối quan hệ chuỗi cung ứng khác có thể không làm được. Đặc biệt theo TS. Hằng, cần tạo điều kiện cho kinh doanh rác thải. Hiện luật pháp chưa xác định chất thải là nguồn tài nguyên thứ cấp tiềm năng. Khi là rác thải, chúng sẽ phải tuân theo luật môi trường và điều đó gây cản trở việc tái sử dụng dòng chất thải. Chú trọng vào các biện pháp khuyến khích sự tham gia và giám sát của công chúng trong việc phát triển KTTH.
Trong khi TS. Nguyễn Danh Nam, trường Đại học Công nghệ Đông Á lưu ý, KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà gồm nhiều mô hình KTTH khác nhau hợp thành. Cách tiếp cận thực hiện của từng quốc gia là khác nhau, nhưng đều dựa trên một nền tảng cốt lõi là tái tạo và khôi phục. Các chính sách KTTH nên được xây dựng thông qua việc xem xét đầy đủ theo cả 4 giai đoạn, gồm: sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải và cuối cùng biến chất thải trở lại thành tài nguyên trên cơ sở tiết kiệm, tận dụng tối đa giá trị của các nguồn nguyên liệu đầu vào, tài nguyên thiên nhiên khai thác được. Từ đó, giảm thiểu dần các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng sống, phát triển kinh tế và xã hội về lâu dài.