Kon Tum: Tiền gửi tăng trưởng ổn định, tín dụng tăng thấp
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum, những tháng qua mức lãi suất huy động tiền gửi trên địa bàn có xu hướng giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tích cực đẩy mạnh nhiều biện pháp, chương trình khuyến mại để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ nền kinh tế. Nhờ đó, nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, đáp ứng được một phần nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.
Mặc dù tăng trưởng thấp so với kỳ vọng, song nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của Kon Tum |
Đến cuối tháng 10/2023, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước, tăng 5,7% so với cuối năm 2022, mức tăng trưởng nguốn vồn huy động cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng khoảng 1.710 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,1% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,4% so với tháng trước, giảm 16,1% so với thời điểm 31/12/2022. Mức lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống có xu hướng giảm và duy trì ở mức ngang bằng so với năm 2022.
Bên cạnh đó, mức lãi suất huy động giữa các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống và từ 12 tháng trở lên không có sự chênh lệch đáng kể, nên khách hàng có xu hướng chọn gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn để linh hoạt trong chi tiêu, tiêu dùng.
Đối với hoạt động đầu tư tín dụng, ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum cho hay, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN và chi nhánh, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các ngành nghề thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo ông Tân, trước những thách thức của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương, các TCTD triển khai đa dạng, linh hoạt các sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi của riêng từng hệ thống TCTD để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Kết quả tăng trưởng tín dụng trên địa bàn 10 tháng năm 2023 tương đối thấp, cho thấy đến thời điểm hiện tại nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen, khả năng phục hồi và hấp thụ vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn còn hạn chế. Mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng trên địa bàn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (+8,4%).
Cụ thể, đến cuối tháng 10/ 2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn trên 44.500 tỷ đồng, tăng 1,0% so với tháng trước, tăng 3,7% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ ngắn hạn khoảng 27.100 tỷ đồng, chiếm 60,9% tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn khoảng 17.400 tỷ đồng, chiếm 39,1% tổng dư nợ.