Kỳ 3: Đồng hành cùng Thái Nguyên phát triển
Kỳ 1: Đổi thay vùng quê cách mạng Kỳ 2: Đưa cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc |
Trong thời gian tới, trên hành trình phát triển của vùng quê cách mạng, dòng chảy tín dụng chính sách sẽ tiếp tục bền bỉ để góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.
Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Tới Thái Nguyên những ngày sau trận bão lịch sử, cuộc sống của người dân đã trở lại nhịp sống bình thường nhưng những thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra vẫn còn đó. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thống kê tổng thiệt hại do cơn bão gây ra trên toàn tỉnh là hơn 600 tỷ đồng. Đây được coi là trận lũ lịch sử đối với người dân Thái Nguyên trong mấy chục năm gần đây.
Trong khó khăn, tình người lại ngời sáng. Người dân Thái Nguyên kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện đẹp trong cơn lũ lịch sử, những người xa lạ chẳng quen nhau đã cùng chia sẻ chỗ ở, đồ ăn, nước uống. Cơn lũ qua đi, việc khắc phục hậu quả sau lũ là nhiệm vụ cấp bách, những cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội lại lên đường đi tới từng hộ dân. Bởi họ hiểu rằng, những khách hàng của mình vốn là những người yếu thế, khó khăn, nay bị thiên tai ập đến lại càng dễ tổn thương hơn bao giờ hết.
Chị Luyến rưng rưng nước mắt khi tài sản tích góp bao năm trôi sạch theo dòng nước |
Như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Luyến, ở xóm Lợi B, xã Phượng Tiến, huyện Định Hoá, vốn là đối tượng hộ cận nghèo, gia đình chị Luyến đang sống trong ngôi nhà hai gian lợp bằng mái tôn đơn sơ dưới chân đồi. Đêm cơn bão xảy ra, nước từ đập hồ gần nhà dâng lên cao, gẫy bờ đập, được sự hỗ trợ của hàng xóm, vợ chồng chị Luyến cùng hai người con may mắn thoát nạn, chỉ kịp chạy lấy người. Đồ đạc trong nhà, ao cá, chuồng gà, vịt, lợn trôi theo dòng nước xiết, sáng hôm sau chị Luyến vội vàng ra thăm nhà, tài sản tích cóp bao lâu nay chẳng còn gì. Rưng rưng nước mắt kể lại, chị Luyến cho biết, ao cá nuôi cả năm trời đang chuẩn bị kéo bán, gà, lợn cũng chuẩn bị xuất chuồng, vợ chồng chị những tưởng có một cái Tết ấm no hơn nhưng giờ đây chẳng còn gì, chuồng trại cũng hư hỏng toàn bộ, thiệt hại ước tính hơn 200 triệu đồng. Trong lúc khó khăn bộn bề, nhân viên của phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Hoá nhanh chóng xuống thăm hỏi, động viên, giúp gia đình khắc phục hậu quả sau cơn lũ.
Ngân hàng chính sách đã có những hỗ trợ kịp thời với các gia đình thiệt hại do bão lũ như chị Luyến |
Ông Nguyễn Phúc Huệ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Hoá cho biết, với trường hợp của gia đình chị Luyến, ngân hàng tạm dừng thu lãi đến hết năm 2024, đồng thời ngay lập tức trình hồ sơ khoanh nợ trong vòng 5 năm, mong rằng sẽ giúp gia đình có thời gian để vực dậy sau khó khăn. Trước hỗ trợ kịp thời và những tình cảm động viên, chia sẻ của ngân hàng chính sách, chị Luyến bộc bạch, đó là điểm tựa và là niềm tin ngân hàng trao để gia đình cố gắng xây dựng lại từ đầu. Do chưa phải trả lãi đến hết năm, chị Luyến dùng số tiền tích cóp được để dựng lại chuồng trại, mua con giống mới. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân nghèo chưa hết hy vọng, chị Luyến cho biết nhất định sẽ chăm chỉ làm ăn để có tiền trả lại cho ngân hàng.
Hay ở Cam Giá - phường trồng đào rộng lớn, trù phú nhất bên sông Cầu thuộc thành phố Thái Nguyên. Sau lũ, phường trở nên tan hoang, tiêu điều, thiệt hại vô cùng nặng nề. Người dân xót xa bởi đào cổ thụ, đào thế bị úa héo rồi chết khô, không có cách nào hồi phục. Nhiều gia đình dồn tất cả vốn liếng vào vườn đào, trong thời điểm cận Tết chuẩn bị những cây đào sẽ cho thu hoạch giờ đây chỉ còn những gốc đào trơ trụi. Theo thống kê, phường Cam Giá có hơn 20ha đất trồng đào của trên 200 hộ dân bị ngập úng, hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 3. Tổng giá trị thiệt hại gần 22 tỷ đồng.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, NHCSXH tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu, ưu tiên nguồn vốn, giải ngân kịp thời cho các khách hàng có nhu cầu để phục hồi sản xuất, kinh doanh, sớm ổn định cuộc sống. Gần đây nhất, ngày 26/11, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 6 tỷ đồng cho 74 hộ dân thuộc phường Cam Giá vay vốn khôi phục làng nghề trồng hoa đào của địa phương.
Trên toàn địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Nguyên Lê Văn Hồng cho biết, hơn 7 nghìn khách hàng vay vốn tín dụng chính sách xã hội tại 133 xã trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại ước tính gần 395 tỷ đồng. Để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại, hệ thống NHCSXH trên địa bàn chưa thực hiện thu lãi đến ngày 31/12/2024; điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với món vay bị ảnh hưởng, thiết lập hồ sơ xử lý nợ rủi ro cho khách hàng bị thiệt hại theo đúng quy định. Với nhu cầu vốn vay để sản xuất kinh doanh sau bão rất lớn, lãnh đạo NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết đã báo cáo, đề nghị NHCSXH Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên bổ sung nguồn vốn để kịp thời cho các hộ thuộc diện chính sách trên địa bàn vay khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm sau lũ, bởi đây là nguyện vọng chính đáng của người dân.
Nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững
Trong phát biểu của mình, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định, để thực hiện những mục tiêu cao cả là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người dân còn nhiều khó khăn, các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.
Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng đánh giá, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất trong xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế. NHCSXH đã được Ngân hàng Thế giới đánh giá là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất châu Á.
Dòng vốn tín dụng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân tỉnh Thái Nguyên vươn lên xoá đói, giảm nghèo, làm chủ cuộc sống |
Tuy nhiên, sau những thành công trong giai đoạn vừa qua, bước sang bối cảnh mới, rất nhiều đòi hỏi mới đối với hoạt động của NHCSXH. Mới đây, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Theo đó, Chỉ thị này nhằm thích ứng với bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội.
Riêng tại Thái Nguyên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế phát sinh nghèo. Tính đến cuối năm 2024, một số mục tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Thái Nguyên đã đạt và vượt xa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với phong trào thi đua “Thái Nguyên chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh với trụ cột là tín dụng chính sách cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị đã hỗ trợ hàng chục nghìn hộ dân giảm nghèo, thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Thời gian tới, tín dụng chính sách sẽ tiếp tục là trụ cột giảm nghèo của tỉnh, đây cũng chính là sức mạnh để Thái Nguyên không chỉ thành công trong giảm nghèo mà còn đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, hoàn thành mục tiêu “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du miền núi phía bắc và Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”.
Ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong thời gian tới, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn sẽ bám sát nội dung của Chỉ thị số 39-CT/TW và các Nghị quyết, định hướng phát triển của tỉnh để tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, đồng hành với công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương. Ông Thịnh cũng đề nghị UBND cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lồng ghép có hiệu quả việc cho vay vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững…