Kỳ 2: Đưa cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Kỳ 1: Đổi thay vùng quê cách mạng |
Thay đổi cách nghĩ, nếp làm
Trước hiệu quả hoạt động của NHCSXH trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế trên toàn quốc, ngày 22/11/2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Sự ra đời của Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành một bước đột phá trong hoạt động của tín dụng chính sách xã hội trên toàn quốc. Tại tỉnh Thái Nguyên, Ban Thường vụ tỉnh uỷ đã ngay lập tức vào cuộc để chỉ đạo toàn hệ thống chính trị chung tay góp sức cùng NHCSXH trong việc chuyển tải dòng vốn của Đảng, Nhà nước đến đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Từ đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trở thành nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm.
Hoạt động của NHCSXH phối hợp chặt chẽ cùng các đoàn thể chính trị xã hội |
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, Chỉ thị số 40-CT/TW thực sự đã trở thành một cú hích lớn trong hoạt động của tín dụng chính sách trên địa bàn. Sự thay đổi từ cách nghĩ, nếp làm được cảm nhận từ cấp uỷ chính quyền tỉnh, xuống tới huyện, xã, từng thôn xóm, bản làng. Những cán bộ của NHCSXH như được tiếp thêm sức mạnh, có thêm nhiều người bạn đồng hành trong hoạt động của mình.
Sự đổi thay đầu tiên đó là việc phối hợp trong công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, kịp thời công tác điều tra, rà soát, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo quy định. Trên cơ sở đó, NHCSXH đã triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng.
Khi đã đem vốn đến đúng địa chỉ, NHCSXH lại cùng các cấp chính quyền phối hợp để hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Theo đó, các ngành chức năng liên quan đã làm tốt việc xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời gắn kết các chương trình tín dụng chính sách xã hội với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, đào tạo nghề… Nhờ đó, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Trở về 10 năm trước, vào năm 2014 nợ quá hạn của tỉnh là 0,065% trên tổng dư nợ, đến 30/4/2024 tỷ lệ nợ quá hạn là 0,032%, giảm một nửa so với năm 2014.
Các buổi kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách luôn được thường xuyên triển khai |
Theo ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Võ Nhai, đối tượng vay của ngân hàng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp qua các tổ chức hội đoàn thể nhận uỷ thác. Chính vì vậy, trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, việc thu nợ trước đây tương đối khó khăn. Tuy nhiên, từ khi có Chỉ thị ra đời, với sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng với ngân hàng, tỷ lệ nợ quá hạn ngày càng thấp, chất lượng tín dụng nâng cao. Hiện theo ông Cường, tỷ lệ nợ quá hạn trên toàn huyện chỉ ở mức 0,02% trên tổng dư nợ 600 tỷ đồng.
Có được kết quả trên là nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan ban ngành trên địa bàn. Bà Hoàng Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, hằng năm Thường trực Hội Cựu chiến binh đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng nghiêm túc, đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ hội cơ sở tham gia về hoạt động tín dụng chính sách. Nhờ nguồn vốn chính sách đã tạo động lực và khích lệ hội viên mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, thay đổi cuộc sống.
Đối với Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, đại diện Hội cũng cho biết, nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, các cấp Hội đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện đáng kể. Hoạt động ủy thác có tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận lớn nông dân được nâng lên rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Tại thành phố Phổ Yên, ông Bùi Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Phổ Yên chia sẻ, cấp ủy Đảng đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua. Trên cơ sở đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH thành phố để tăng cường nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng sách trên địa bàn đạt gần 21 tỷ đồng, tạo thêm nguồn lực để NHCSXH trên địa bàn thực hiện hoạt động một cách hiệu quả.
Trên toàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết tháng 10/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương tỉnh ủy thác sang NHCSXH đạt 255,73 tỷ đồng, tăng 45,773 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2023. Ngoài ra, nguồn vốn do chi nhánh NHCSXH tỉnh huy động là 515,312 tỷ đồng; nguồn vốn của các công ty, doanh nghiệp ủy thác sang NHCSXH đạt 6,633 tỷ đồng tăng 5,098 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 332%) so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW; nguồn vốn từ cuộc vận động vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc phát động, nguồn vốn có tính chất từ thiện và các nguồn vốn khác là 1,535 tỷ đồng, tăng 100% so với với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Phục vụ hơn 300 nghìn khách hàng trong 10 năm qua
Nhờ sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thông qua 177 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn và 2.628 Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng các hội đoàn thể nhận ủy thác từ tỉnh đến huyện, xã... NHCSXH Thái Nguyên đã tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo của tỉnh tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi. Trong giai đoạn 2014 - 2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 10,6 nghìn tỷ đồng, với 307.387 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Trong đó, có 112.834 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn; 10.482 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 29.178 lao động có việc làm ổn định, 895 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xây dựng được 192.434 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 2.070 căn nhà cho hộ nghèo, 371 căn nhà ở xã hội và 39.283 lượt hộ gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cán bộ NHCSXH huyện Định Hóa, Thái Nguyên thực hiện giao dịch, giao ban tại điểm giao dịch xã |
Trong suốt 10 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” từ đó tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được biết để cùng thực hiện, đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang đối diện với không ít khó khăn. Theo ông Lê Văn Hồng, hiện nay có nhiều chính sách tín dụng được ban hành nhưng không có nguồn vốn để cho vay. Vì vậy, NHCSXH đề nghị Chính phủ quan tâm bố trí đủ vốn thực hiện các chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025.
Ở đâu có khó khăn, ở đó có NHCSXH |
Còn theo ông Bùi Văn Lương, trước nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm ngày càng tăng cao, đề nghị NHCSXH hàng năm bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo kế hoạch của tỉnh đã xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng người lao động bị thu hồi đất. Về hạn mức của các chương trình vay hiện tại, ông Lương cũng kiến nghị Chính phủ nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 25 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí xây dựng thực tế, bổ sung cơ chế cho vay đối với hộ dân tại địa bàn các phường được thụ hưởng chính sách vay vốn cải tạo, xây mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống.