“Giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP
TS. Tô Hoài Nam – Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, kể từ Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, qua đó đã giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, mang lại những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Từ thời điểm đó, về cơ bản phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội luôn được đổi mới theo hướng không ngừng mở rộng dân chủ và công khai, điều đó được biểu hiện rõ nhất trong công tác xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật trong phát triển kinh tế- xã hội.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đã xác định rõ doanh nghiệp là động lực phát triển của nền kinh tế, và Nghị quyết số 41-NQ/TW nhấn mạnh về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. “Đây chính là nguồn cảm hứng, khích lệ, động viên đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục vững tin vào vai trò, sứ mệnh cao cả của mình đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới”- TS.Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Hiện nay, DNNVV chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu ngân sách nhà nước và 60% lao động. Thành phần đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp - chiếm 4%. Điều này có thể thấy tính đại diện của cộng đồng DNNVV rất cao, có vị trí và vai trò rất ý nghĩa trong sự nghiệp phát triển và xây dựng kinh tế Việt Nam.
TS.Tô Hoài Nam chia sẻ, tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có buổi gặp mặt với Đoàn đại biểu Hiệp hội DNNVV Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với khu vực kinh tế này và cũng thể hiện mong muốn cộng đồng DNNVV tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Khu vực DNNVV cũng phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, hoàn thành trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế, tạo ra việc làm và thu nhập cho hơn 34 triệu người lao động. Đây là thành tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp đó, ngày 4/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.
Buổi gặp mặt đã biểu dương, cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và nối dài chuỗi các hoạt động lắng nghe, chia sẻ, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ ngành với doanh nghiệp - động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững tại thời điểm nền kinh tế thế giới và trong nước đang chuyển mình theo những xu hướng mới.
“Các doanh nghiệp sẽ có thêm niềm tin vào sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ đó đầu tư có chiều sâu hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đầu tư nhiều vào các hoạt động công nghệ kỹ thuật cao. Qua đó, phần nào thực hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời củng cố vị thế trong nền kinh tế”, T.S Tô Hoài Nam chia sẻ.
TS. Tô Hoài Nam – Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV |
TS.Tô Hoài Nam cho biết, Hiệp hội DNNVV đánh giá cao những đóng góp của lãnh đạo NHNN Việt Nam khi cho rằng cần có một đánh giá tổng thể về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và các giải pháp đột phá để phát triển doanh nghiệp "sếu đầu đàn" và các doanh nghiệp vệ tinh.
Lãnh đạo NHNN cũng đã chia sẻ và thấu hiểu những khó khăn của khu vực DNNVV khi nêu thực tế chúng ta có 1 luật hỗ trợ DNNVV, 5 Nghị định nhưng thực tế thực hiện chưa như kỳ vọng, trong đó nhấn mạnh đến việc doanh nghiệp cần có nguồn lực tài chính, vấn đề bảo lãnh cho doanh nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về vốn. NHNN cũng cho rằng, cần đánh giá sát thực tế để đưa ra giải pháp. Điều mà lãnh đạo NHNN đưa ra đã đánh giá thực tế khó khăn hiện nay của hệ thống DNNVV.
Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
Với nguồn động lực đó, thời gian tới, theo TS.Tô Hoài Nam, để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, các cơ quan chức năng cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho khu vực DNNVV.
Trước hết, tiếp tục thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt thủ tục giấy tờ, trong đó hết sức quan tâm, tập trung đến rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục liên quan đến đầu tư, thuế, và các giấy phép kinh doanh. Trong đó, cần minh bạch và ổn định pháp luật: đảm bảo luật pháp, chính sách kinh doanh ổn định, dễ dự đoán, minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng và các hành vi tiêu cực trong hệ thống hành chính để tạo môi trường kinh doanh công bằng.
Ngoài ra, TS.Tô Hoài Nam cho rằng, chính sách nên tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D). Cung cấp các ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào R&D để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nâng cao hoạt các quỹ hỗ trợ và các chương trình tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các dự án sáng tạo có tiềm năng.
Cùng với đó, thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp cận thị trường quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư, và các nguồn tài chính quốc tế. Tư vấn và đào tạo cho các DNNVV Việt Nam để nâng cao năng lực sản xuất và tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc tế cho các DNNVV.
“Cần thúc đẩy phát triển hạ tầng và logistics, tăng cường hợp tác công-tư. Đầu tư vào phát triển các hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay và logistics để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao hiệu quả kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án công-tư. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ số, thương mại điện tử và chuyển đổi số để nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững thông qua việc tạo ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, thực hành kinh doanh bền vững…” - TS.Tô Hoài Nam gợi ý.