Lãi quý I của hàng loạt “ông lớn” CTCK giảm
Khó sống, CTCK… bán mình cho chủ ngoại | |
Nhà đầu tư chỉ được phép mở một tài khoản giao dịch tại mỗi CTCK | |
HSX: 10 CTCK hàng đầu chiếm tới 63,33% thị phần cả nước |
Tính chung quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3%. Với diễn biến kém sắc của thị trường chứng khoán trong quý đầu năm, không ngạc nhiên khi 9/10 công ty chứng khoán (CTCK) lớn trong top thị phần giao dịch HoSE đồng loạt báo lãi giảm so với cùng kỳ năm 2022.
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC – HoSE: VCI) ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận quý I/2023 mạnh nhất trong nhóm này, cụ thể là giảm sâu 84% xuống mức 73,1 tỷ đồng. Doanh thu của VCSC đạt hơn 499,2 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các hoạt động lãi từ các tài sản tài chính FVTPL 155,4 tỷ đồng, giảm 32%; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 155,4 tỷ đồng, giảm 21%; doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán cũng giảm 75%. Trong khi đó, chi phí hoạt động công ty trong kỳ tăng mạnh 107%, cùng các chi phí hoạt động tự doanh tăng 244%, môi giới chứng khoán tăng 121%, tư vấn tài chính tăng 622%… đã khiến lợi nhuận VCSC giảm sâu.
Xếp sau VCSC về tỷ lệ sụt giảm là ông lớn VNDirect (HoSE: VND), với lãi sau thuế đạt 140,5 tỷ đồng, giảm đến 81,5%. Quý I/2023 VNDirect ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính của công ty đều giảm mạnh. Có thể thấy, hoạt động môi giới 146 tỷ đồng, giảm gần 70%; doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành 7,6 tỷ đồng cũng chỉ bằng 1/10 cùng kỳ; và lãi từ các khoản cho vay 249 tỷ đồng giảm đến gần một nửa; mảng tự doanh 310,5 tỷ đồng, giảm gần 25%.
CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam (TCBS) cũng ghi nhận lãi sau thuế quý I/2022 giảm 64,5% xuống mức 333,5 tỷ đồng. Trong đó, các hoạt động môi giới giảm 72%, bảo lãnh phát hành giảm 63%, tư vấn tài chính giảm 95% và lãi từ cho vay và phải thu cũng giảm 31%. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động trong kỳ của TCBS cũng giảm nhẹ 8,1% xuống 333,1 tỷ đồng. Mức lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 143 tỷ đồng, giảm 27%.
Tương tự, CTCP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam báo doanh thu quý I/2023 giảm 25,2% xuống 562 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động cho vay và phải thu chỉ đạt 340,3 tỷ đồng, tương đương giảm 11%; hoạt động môi giới chứng khoán 104,9 tỷ đồng, giảm 55%. Trừ đi các chi phí, lãi sau thuế quý I/2023 của công ty này đạt 128,3 tỷ đồng, giảm 55%. Đây cũng là con số lợi nhuận theo quý thấp nhất của Mirae Asset Việt Nam kể từ quý II/2020.
Cũng nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng từ thị trường chung, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC - HoSE: HCM) với doanh thu 489 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022. Các mảng kinh doanh chủ đạo của HSC trong quý I/2023 đều giảm, cụ thể cho vay ký quỹ 223 tỷ đồng, giảm 40%; doanh thu môi giới 132 tỷ đồng, giảm 53%; hoạt động tự doanh 125 tỷ đồng, giảm 33%.
Ngoài ra, loạt “ông lớn” khác trong top 10 đồng loạt báo lãi giảm sâu, như CTCP Chứng khoán VPS (giảm 46%); CTCP Chứng khoán KIS (giảm 43%); CTCP Chứng khoán MB (giảm 40%); CTCP Chứng khoán SSI (giảm 30%).
Chiều ngược lại, cái tên nằm trong top 10 thị phần giao dịch HoSE bất ngờ báo lãi quý I/2023 tăng là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS). Thực tế, với các ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán nói chung, doanh thu quý I/2023 của đơn vị này giảm nhẹ 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, nhờ vào lãi từ chênh lệch tỷ giá hối đoái đã và chưa thực hiện (21,8 tỷ đồng) và tiết giảm chi phí (với chi phí hoạt động 33,8 tỷ đồng, giảm mạnh 38%) VCBS ghi nhận lãi ròng 105 tỷ đồng, tăng 37%.
Ngoài top 10 thị phần giao dịch HoSE, nhiều CTCK gây bất ngờ với mức tăng trưởng quý I/2023 lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm. Cái tên đáng chú ý nhất là CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Quý I/2023 của VPBank Securities ghi nhận doanh thu hoạt động tăng gấp 15 lần, đạt 407 tỷ đồng. Trong đó, mảng tự doanh 297 tỷ đồng (đóng góp lớn nhất từ đầu tư FVTPL), tăng gấp 13 lần; lãi từ cho vay phải thu và doanh thu môi giới đồng loạt tăng mạnh đạt lần lượt 95 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, VPBank Securities báo lãi sau thuế 259 tỷ đồng, tăng gấp 55 lần so với quý I/2022.
VPBank Securities cho biết, công ty mới được cấp phép là thành viên hai Sở giao dịch từ cuối tháng 3/2022, dẫn tới hoạt động trong quý I/2022 chưa có nhiều nghiệp vụ. Ngoài ra, việc hoàn tất tăng vốn điều lệ trong quý I năm nay cũng giúp công ty đa dạng hoá các danh mục đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Vốn điều lệ VPBank Securities hiện đạt 15.000 tỷ đồng, đồng nghĩa là CTCK có mức vốn lớn nhất Việt Nam.
Cái tên đáng chú ý thứ 2 là CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VISC - HNX: VIG). Theo đó, VISC trong quý I/2023 báo lãi hơn 5,8 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nói về nguyên nhân lãi ròng tăng mạnh, VISC cho biết trong quý I/2023 đã thực hiện phát hành cổ phần riêng lẻ cho NĐT. VISC đã dùng toàn bộ số tiền thu về này để đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, dẫn đến doanh thu hoạt động và doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh.
Ngoài 2 cái tên kể trên, có thể kể đến một số cái tên đáng chú ý khác như CTCP Chứng khoán Hải Phòng - Haseco (tăng 94%); CTCP Chứng khoán Beta (tăng 543%); CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (tăng 17%)…