Lãi suất tăng, huy động vốn vẫn khó
Tăng lãi suất điều hành “hóa giải” nhiều thách thức | |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh các mức lãi suất điều hành |
Ngày 24/10, NHNN đã có quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành. Trong đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,5%/năm lên 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Đây là lần thứ hai trong năm NHNN tăng lãi suất điều hành. Lãi suất tăng, ngoài việc hỗ trợ cân đối các mục tiêu vĩ mô của nhà điều hành, còn tạo điều kiện cho các NHTM thuận lợi hơn trong huy động vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Trên thị trường một số ngân hàng niêm yết lãi suất huy động trên 8%/năm đối với kỳ hạn tiền gửi trên 12 tháng, một số ngân hàng có sản phẩm online lãi suất bám sát ngưỡng 9%/năm như SCB, NamA Bank… Ngân hàng số Cake trả lãi suất 9%/năm kỳ hạn 12 tháng, với số dư 50 triệu đồng trở lên người gửi tiền được hưởng lãi suất 9,1%/năm, gửi 300 triệu đồng trở lên lãi suất 9,3%/năm; nếu gửi kỳ hạn 36 tháng với số dư từ 300 triệu trở lên khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 9,5%/năm.
Lãi suất huy động tăng nhưng tiền gửi vào ngân hàng thời gian qua không nhiều. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2022, tổng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng khoảng 4,04%. Trong khi đó, cùng thời điểm này của năm 2021 huy động vốn tăng khoảng 4,28%; năm 2020 là 7,7%, còn so với cùng kỳ năm 2019 thì mức tăng đến 8,7%, và năm 2018 tăng 9,15%. Như vậy, huy động vốn của hệ thống ngân hàng hai năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt so với giai đoạn từ năm 2020 trở về trước. Trên nguyên lý, thị trường chứng khoán sụt giảm, thanh khoản bất động sản yếu và đặc biệt thị trường trái phiếu được quản lý chặt hơn dòng tiền sẽ trở về ngân hàng tìm nơi trú ẩn. Thậm chí, nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm ngân hàng sang mua chứng khoán thì dòng tiền trên tài khoản chứng khoán vẫn chảy qua hệ thống ngân hàng.
Vậy vì sao tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng vẫn chậm? Chuyên gia nhận định, huy động vốn của ngân hàng tăng chậm nguyên nhân chính là do tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, không tạo ra các mối quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ phục vụ các công trình dự án nên không tạo ra dòng tiền luân chuyển qua ngân hàng. Bởi một dự án đầu tư bằng vốn ngân sách thường có quy mô lớn, khi vốn đầu tư công được giải ngân sẽ "kích hoạt" rất nhiều việc làm và hoạt động kinh doanh khác ngoài xã hội và sẽ làm tăng các dòng chảy vốn qua ngân hàng.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân trên cả nước đã đạt 42,16% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 46,70%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (47,38%), trong đó, vốn trong nước đạt 48,60% (cùng kỳ năm 2021 đạt 51,74%), vốn nước ngoài đạt 19,07% (cùng kỳ năm 2021 đạt 12,69%) so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, cả nước vẫn còn 31/51 bộ, ngành và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đạt dưới 40%.
Theo báo cáo của NHNN thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi về Quốc hội: trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu. Từ đó, dẫn đến tồn ngân quỹ nhà nước, là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu… hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh phục hồi kinh tế vẫn ở mức cao, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.