Lạm phát tại Mỹ và thế khó của Fed
Liệu Fed có điều chỉnh chính sách? | |
Quan chức Fed khuyến nghị thảo luận về tăng lãi suất | |
Chính trị gia Mỹ kêu gọi Fed điều chỉnh chính sách |
Lạm phát có phải là tạm thời?
Còn nhớ vào tháng 3/2020, việc đóng cửa để ngăn chặn đại dịch coronavirus đã khiến kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Sau đó vào đầu năm 2021, chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng và hàng nghìn tỷ đô la kích thích từ Chính phủ Mỹ đã dẫn đến sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng. Trong khi đó chuỗi cung ứng chưa kịp phục hồi, hệ quả là giá tăng. Ví dụ: sản xuất chất bán dẫn sụt giảm trong thời gian ngừng hoạt động năm 2020 và sau đó không thể tăng lên đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu về ô tô khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khiến giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng đều tăng với tốc độ kỷ lục. Tương tự, giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng vọt.
Còn một nguyên nhân nữa đó là việc các công ty đẩy mạnh thu hút và giữ chân người lao động khi mở cửa trở lại bằng các khoản thưởng hoặc tăng lương và sau đó tăng giá sản phẩm để chuyển chi phí cho người tiêu dùng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, lạm phát cao hiện tại chỉ là tạm thời |
Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát tăng mạnh thời gian qua có phải là tạm thời hay không? Những yếu tố đẩy giá lên vẫn tồn tại hay chỉ là tạm thời khi các hạn chế trong chuỗi cung ứng được giải quyết, cộng thêm việc ngày càng nhiều người Mỹ quay trở lại lực lượng lao động? Các số liệu cho đến nay vẫn chưa mang lại một câu trả lời rõ ràng. Trong khi giá của một số mặt hàng, như ô tô đã qua sử dụng, bắt đầu dừng tăng, thì giá của nhiều mặt hàng khác lại bắt đầu tăng trong những tháng gần đây.
Không ít chuyên gia lo ngại áp lực lạm phát không phải là tạm thời và chúng có thể tồn tại đủ lâu để có thể tự tồn tại như đã xảy ra ở Mỹ và các nơi khác trong những năm 1970, khi kỳ vọng lạm phát tăng cao dẫn tới cái được gọi là vòng xoáy giá - tiền lương.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đã nhiều lần cảnh báo rằng sự kết hợp giữa kích thích tiền tệ và tài khóa hiện nay, cùng với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế, sẽ gây ra áp lực tăng giá đáng kể.
Trong khi đó, các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng đang "tận dụng" cơ hội lạm phát gia tăng để vận động ủng hộ trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 và mô tả kế hoạch của chính quyền đương nhiệm về việc chi tiêu hàng nghìn tỷ đôla là “liều lĩnh”. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hy vọng sẽ thông qua gói chi tiêu xã hội và tăng thuế trị giá 3,5 nghìn tỷ đôla theo sau kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 550 tỷ đôla được Thượng viện thông qua vào ngày 10/8.
Fed nghĩ gì?
Trong khi đó Fed cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Vào tháng 7, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng áp lực giá hiện tại thể hiện những cú sốc tạm thời liên quan đến việc mở cửa trở lại của nền kinh tế. Ví dụ, giá gỗ xẻ tăng đột biến khi nhu cầu mua nhà mới phục hồi. “Kỳ vọng của chúng tôi là những chỉ số về lạm phát cao mà chúng ta đang thấy hiện nay sẽ bắt đầu giảm bớt”, ông Powell nói vào tháng Sáu. “Nó sẽ giống như những gì diễn ra với gỗ xẻ và giống như chúng tôi mong đợi như đã diễn ra với xe ôtô cũ”.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận rằng, lạm phát hàng năm vượt quá mục tiêu 2% của Fed đã mang lại sự không chắc chắn cao hơn. "Chúng tôi không biết khi nào chúng sẽ biến mất", ông nói về những đợt tăng giá gần đây. “Chúng tôi cũng không biết liệu có những thứ khác sẽ xuất hiện và thay thế chúng hay không”. Nhưng ông nói thêm rằng, điều mà Fed không nhìn thấy là “áp lực lạm phát trên diện rộng”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Powell và các quan chức Fed khác đang cố gắng tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ, đó là chặn lại sự phục hồi kinh tế do lo ngại lạm phát không đúng chỗ.
Còn nhớ trước đại dịch, Fed đã dành một thập kỷ để cố gắng kéo lạm phát lên 2% sau khi lạm phát sụt giảm mạnh do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau đó Fed bắt đầu tăng lãi suất khi nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng mặc dù lạm phát vẫn yếu. Tuy nhiên Fed đã phải sớm đảo ngược chính sách thắt chặt vào năm 2019.
Hiện Fed có nhiệm vụ kép là ổn định giá cả và việc làm tối đa. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần lưu ý rằng gần 6 triệu người Mỹ vẫn không có việc làm so với mức trước đại dịch. Bởi vậy quan điểm hiện tại của Fed là sẽ không bắt đầu giảm bớt những biện pháp kích thích đang cung cấp cho nền kinh tế cho đến khi thấy “tiến bộ đáng kể hơn nữa” trên thị trường lao động.
Tuy nhiên nếu lạm phát vẫn tiếp diễn - nghĩa là việc tăng giá mạnh tiếp tục kéo dài trong năm tới và hơn thế nữa - các quan chức Fed sẽ phải thay đổi quan điểm và tính tới việc sớm tăng lãi suất và thu lại chương trình mua trái phiếu. Tuy nhiên cái khó là Fed vẫn phải lưu ý đến những rủi ro đối với triển vọng kinh tế, đặc biệt khi biến thể Delta hiện đang lan rộng.