Lạm phát vẫn là rủi ro lớn trong năm 2023
Vậy lạm phát cao bắt nguồn từ nguyên nhân nào? Nhìn lại diễn biến lạm phát thời gian qua có thể thấy, thời kỳ lạm phát vừa phải và lãi suất thấp kéo dài đã kết thúc đột ngột sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát buộc các chính phủ và các NHTW phải bơm một lượng tiền lớn để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Mặc dù điều đó đã giúp duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và cứu trợ các hộ gia đình, nhưng nó cũng khiến cân bằng cung - cầu bị bóp méo hơn bao giờ hết.
Đến năm 2021, khi các biện pháp phong tỏa kết thúc và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ sau suy thoái nhanh nhất trong 80 năm, tất cả số tiền kích thích đó đã tràn vào hệ thống thương mại thế giới. Thế nhưng các nhà máy mới mở cửa trở lại sau dịch không thể tăng tốc đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu. Trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã gây ra tình trạng thiếu lao động trong nhiều lĩnh vực và tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến giá nhiều loại hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá năng lượng tăng đột biến.
Ảnh minh họa |
Chưa hết cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2 và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga - một nhà xuất khẩu dầu khí lớn - càng đẩy giá nhiên liệu lên cao hơn, qua đó thổi bùng ngọn lửa lạm phát.
Lạm phát được xem là một loại thuế đánh vào người nghèo vì nó tác động mạnh nhất tới những người có thu nhập thấp và lạm phát hai con số đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.
Đặc biệt khi mùa đông đang đến trên khắp bán cầu bắc, khó khăn lại càng lớn do hóa đơn nhiên liệu tăng cao. Tại không ít quốc gia đã chứng kiến những cuộc đình công của người lao động trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến hàng không, để yêu cầu tiền lương theo kịp lạm phát. Trong khi đó, giá lương thực tăng vọt đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và đau khổ ở các nước nghèo hơn, từ Haiti đến Sudan và Lebanon đến Sri Lanka.
Để kiềm chế lạm phát, các NHTW trên khắp thế giới đã buộc phải tăng nhanh lãi suất. Đến cuối năm 2023, IMF dự kiến lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống 4,7% - chỉ bằng một nửa mức hiện tại. Thế nhưng cái giá phải trả là kinh tế toàn cầu cũng giảm tốc mạnh, thậm chí nhiều nền kinh tế lớn còn có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đều mong muốn một sự "hạ cánh mềm" trong đó quá trình hạ nhiệt lạm phát diễn ra mà không có sự sụp đổ của thị trường nhà ở, doanh nghiệp phá sản hoặc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Nhưng một kịch bản như vậy đã được chứng minh là khó đạt được trong các cuộc chạm trán với lạm phát cao trong quá khứ.
Theo đó từ Chủ tịch Fed Jerome Powell đến Chủ tịch ECB Christine Lagarde, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng liều thuốc tăng lãi suất có thể có vị rất đắng. Ngoài ra, những bất ổn địa chính trị và xung đột vũ trang cũng là những rủi ro rất lớn cho kinh tế toàn cầu trong năm tới.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 10 vừa qua của IMF là một trong những báo cáo ảm đạm nhất khi dự báo cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7% so với dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 7. "Tóm lại, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái", IMF đánh giá.