Lấy kinh tế vùng làm động lực
Tận dụng nội lực trong từng lĩnh vực
Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, có tới 12 tỉnh, thành trên cả nước có mức tăng trưởng rất thấp. Bởi vậy cần có kế hoạch hành động mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm 2020, nếu không thì việc vực dậy trong năm 2021 sẽ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực, khiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm ước chỉ tăng 3,39%. Tốc độ tăng trưởng của Hà Nội mặc dù cao hơn so với mức trung bình của cả nước, song vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ mọi năm.
Ảnh minh họa |
Tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố cũng cho hay, GRDP chỉ tăng gần 2% do các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố đều bị ảnh hưởng nặng. Cụ thể, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành giảm gần 30%; chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%; hơn 8.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động; thu ngân sách nhà nước giảm hơn 14% so với cùng kỳ…
Trong khi đó, GRDP của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm thậm chí còn giảm 3,61% so với cùng kỳ năm 2019; với các khu vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng đều giảm, chỉ có nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng nhẹ 2,3%. Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND Đà Nẵng lý giải, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tăng trưởng của thành phố có được chính là nhờ tích cực tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, khó khăn pháp lý đối với các dự án của nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư công. Tính đến cuối tháng 6, Đà Nẵng đã giải ngân đạt 36% kế hoạch năm nguồn vốn của ngân sách thành phố và đạt 78% nguồn vốn ngân sách Trung ương. Đây là tỷ lệ giải ngân có tiến bộ rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển của nhiều đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn trên cả nước, song theo phản ánh của các địa phương, đây cũng là thời điểm mà “tấm áo” cơ chế được nới lỏng nhanh hơn để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, trong 6 tháng cuối năm, rất cần tận dụng nội lực bằng việc rà soát và phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng lĩnh vực. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất cần đẩy mạnh phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm, hướng tới phát huy lợi thế, thúc đẩy nội lực, liên kết vùng; tập trung thu hút nguồn lực để phát triển các vùng KTTĐ.
Ông Huỳnh Đức Thơ khuyến nghị, Chính phủ cần có chủ trương đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng để tạo động lực phát triển kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc triển khai chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng. Hiện nay việc triển khai mô hình này tại thành phố đã được thông qua nhưng để thực hiện còn cần rất nhiều hướng dẫn từ Chính phủ và các bộ, ban, ngành.
Cùng chung quan điểm với Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi các quy định có liên quan tới việc phân cấp, phân quyền để địa phương sớm tự quyết các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, khẩn trương thực hiện công tác lập quy hoạch để tăng cường liên kết vùng, như vậy mới tạo tác động lan toả từ các trung tâm kinh tế lớn tới từng địa phương nhỏ và khai thác được lợi thế từng địa phương.
Sẽ “mở khóa” các cơ hội phát triển
Vừa qua, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng đã trình dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng KTTĐ. Trong đó nêu rõ các vùng KTTĐ là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước. Cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng KTTĐ sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%. Nổi bật là vùng KTTĐ Bắc Bộ và vùng KTTĐ phía Nam, trong giai đoạn 2011-2019, quy mô GRDP của 2 vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP, thể hiện là “các vùng trọng điểm của các vùng trọng điểm”. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân năm trong giai đoạn 2011-2019 tương ứng đạt 13,08% và 19,9%.
Mặc dù vậy, các vùng KTTĐ chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có để thực sự “mở khóa” các cơ hội phát triển, đồng thời hiện đang đối mặt nhiều thách thức như trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tỷ trọng ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định.
Ngoài ra, cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế; khó khăn về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn; nhiều vấn đề về quản lý đô thị cần giải quyết… Do các hạn chế đó, các vùng KTTĐ đã gặp khó khăn kép khi trong 6 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế trong nước do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nhà nước, phát triển du lịch… của các vùng KTTĐ đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Còn nhớ ngay từ thời điểm đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển các vùng KTTĐ, góp phần đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng lưu ý phải khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc lập quy hoạch vùng của các vùng KTTĐ, quy hoạch cấp tỉnh đối với các địa phương thuộc vùng KTTĐ, bảo đảm khắc phục các vướng mắc hiện nay và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện để các vùng KTTĐ tiếp tục là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm cần ưu tiên bố trí các nguồn lực của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng, quy mô lớn, tác động lan tỏa cao tại các vùng KTTĐ. Cùng với đó, cần gắn chương trình thu hút FDI thế hệ mới với phát triển các vùng KTTĐ theo hướng xây dựng kế hoạch hành động gắn với các biện pháp cụ thể để thu hút và đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường, liên kết chặt chẽ với các dự án trong vùng và cả nước.
Đồng thời, phải có cơ chế huy động nguồn lực phù hợp, nhất là cơ chế huy động vốn của chính quyền địa phương hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các địa phương trong vùng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vùng và cả nước.