Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Hấp dẫn, mới lạ và nhiều hy vọng
Sự trở lại của phim Nhà nước
Có thể khẳng định, LHP Việt Nam lần thứ 21 được nhiều người chú ý và tạo dấu ấn nhất, đó là thể loại phim truyện điện ảnh đã có sự trở lại của các tác phẩm do Nhà nước đặt hàng hoặc liên kết với các đơn vị tư nhân sản xuất. Theo Ban tổ chức, dự tranh giải hạng mục phim truyện điện ảnh LHP lần này có 16 tác phẩm: Khi con là nhà, 11 niềm hy vọng, Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo, Song Lang, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Nơi ta không thuộc về, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Hợp đồng bán mình, Thưa mẹ con đi, Truyền thuyết về Quán Tiên. Trong số này, có 4 phim của nhà nước, gồm Truyền thuyết về Quán Tiên và Thạch Thảo (70% vốn nhà nước, 30% kinh phí xã hội hoá); Nơi ta không thuộc về (Điện ảnh Quân đội) và Hợp đồng bán mình (Công ty CP phim Giải Phóng).
Cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên – tác phẩm của Nhà nước đặt hàng và tài trợ dự tranh giải LHP Việt Nam lần thứ 21 |
Trong các LHP trước đó và những giải thưởng điện ảnh Việt được dư luận quan tâm như Cánh diều Vàng gần đây, nhiều khán giả và giới chuyên môn tỏ ra lo ngại vì phim điện ảnh hoàn toàn vắng phim Nhà nước, thay vào đó là các tác phẩm do tư nhân sản xuất.
Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng, để có dòng điện ảnh chủ lưu với các phim đề cập tới những vấn đề của đất nước, cuộc sống vẫn cần sự đầu tư của Nhà nước vào điện ảnh. Đó là những bộ phim có khả năng phản ánh, khái quát hóa một cách nghệ thuật những vấn đề của con người, thời đại mà chúng ta đang sống. Thiếu phim Nhà nước, đồng nghĩa với việc những vấn đề của đất nước, của xã hội đặt ra ít được đề cập trong những bộ phim điện ảnh hiện nay. Nhiều ý kiến còn cho rằng, việc thiếu vắng phim tài trợ hay phim đặt hàng của Nhà nước sẽ khiến điện ảnh mất tính định hướng, giống như con thuyền mất bánh lái là một thực trạng đáng báo động.
Tuy nhiên, với việc 4 phim điện ảnh dự LHP Việt Nam lần thứ 21, đã cho thấy phim của Nhà nước đã, đang dần trở lại với công chúng, tạo thế cân bằng và làm đa dạng nền điện ảnh. Đáng mừng hơn, 4 phim điện ảnh kể trên đều có chất lượng dù không có những diễn viên là ngôi sao lớn được công chúng mến mộ. Bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên được chuyển thể từ truyện ngắn Huyền thoại về Quán Tiên của nhà văn Xuân Thiều. Nội dung phim kể về những cô thanh niên xung phong của một binh trạm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Thạch Thảo của đạo diễn Mai Thế Hiệp đã từng tạo ra cơn sốt vé khi ra rạp với chủ đề học đường xoay quanh câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình thầy trò.
Cũng cần kể tới Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền), kể về hành trình đi thực tế, sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng để viết bài về Thung Ma – căn cứ bí mật cất giấu kho đạn thời chiến tranh, của nữ nhà báo quân đội Đông Hà. Cô muốn tìm hiểu về sự mất tích bí ẩn của tiểu đội trông coi kho, sau trận không kích năm xưa. Hành trình của nữ nhà báo mở ra nhiều câu chuyện ly kỳ.
Đối với Hợp đồng bán mình của đạo diễn Ngọc Phong, tác phẩm này đề cập đến đề tài thời sự nóng hổi trong đời sống xã hội. Bộ phim này lột tả những góc khuất trong cuộc sống. Ở đó có chuyện đại gia bỏ cả trăm tỷ đồng để cứu sống cha của một cô gái trẻ đang đối diện với nợ nần và cái chết. Đổi lại, cô gái này sẽ phải ký vào một bản hợp đồng đặc biệt – làm vợ của vị đại gia này và không được ly hôn trong vòng 10 năm.
Phim làm lại của nước ngoài chỉ nhận giải phụ
Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, LHP Việt Nam lần thứ 21, các tác phẩm điện ảnh của LHP lần này cần phải đạt được các tiêu chí như: hướng đến thể hiện được nội dung tư tưởng nhân văn, có thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, chất lượng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Ban tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 21 sẽ trao các giải thưởng: Bông sen Vàng, Bông sen Bạc cho các bộ phim xuất sắc; giải thưởng dành cho cá nhân xuất sắc: đạo diễn, tác giả kịch bản, nam/nữ diễn viên chính, nam/nữ diễn viên phụ, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh. Ngoài ra, một phim truyện chiếu trong “Chương trình phim toàn cảnh” sẽ được trao giải “Phim được yêu thích nhất” do khán giả bình chọn.
Điều đặc biệt nữa, bên cạnh phim Nhà nước đã “tái xuất” kể trên, LHP Việt Nam lần thứ 21 cho phép các phim làm lại (remake) từ nước ngoài tham gia tranh giải. Nhưng phim làm lại chỉ được nhận các giải cá nhân (đạo diễn, diễn viên, âm nhạc…) nếu có, chứ không được xét để trao giải thưởng chính là Phim xuất sắc nhất và kịch bản xuất sắc nhất.
Điều này được nhiều khán giả ủng hộ vì việc hạn chế khung giải thưởng của phim làm lại, cho thấy Ban tổ chức LHP năm nay tiếp tục hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của những kịch bản thuần Việt, thay vì các nhà làm phim quá tập trung vào các kịch bản nước ngoài và lạm dụng chúng.