Lĩnh vực ngân hàng góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế
Hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn | |
Đại biểu Quốc hội: Thủy điện rất quan trọng, nhưng cẩn trọng dự án mới |
Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu ngày đầu tiên tiến hành phiên chất vấn kéo dài 2,5 ngày, nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai yêu cầu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cơ cấu lại các ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao tăng.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng và chất lượng. Năng suất lao động tăng đều qua các năm. Khung chính sách về đầu tư công được hoàn thiện. Cơ cấu lại đầu tư công được chú trọng, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được nâng cao. Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được ban hành. Nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa.
Đó là những điểm tích cực trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện và hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, còn xảy ra sai phạm. Việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn hạn chế.
Tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2019 đạt thấp. Tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia chậm so với yêu cầu. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Năng suất lao động còn thấp.
Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống pháp luật về quản lý nợ công, tài sản công, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa được hoàn thiện. Việc cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 đạt một số kết quả. Các chỉ tiêu nợ công đều trong giới hạn cho phép và giảm dần qua các năm.
Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ bội chi giảm dần qua các năm. Hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện, cơ bản bao quát các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, còn tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng, năng lực triển khai một số dự án không đáp ứng yêu cầu giải ngân theo các Hiệp định đã ký kết; một số dự án sử dụng vốn vay còn lãng phí, chưa hiệu quả. Còn tình trạng thất thu, trốn thuế; tổng nợ đọng thuế hằng năm cao. Việc nâng cấp thủ tục hành chính tại Tổng cục Thuế còn chậm.
Với lĩnh vực ngân hàng, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, lãi suất và tỷ giá được điều hành phù hợp với tình hình thực tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối tăng. Chất lượng tín dụng được cải thiện, mức tăng trưởng hợp lý, cơ cấu tín dụng có điều chỉnh tích cực. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các tổ chức tín dụng từng bước được xử lý. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng được kiểm soát. Năng lực tài chính, hoạt động của VAMC tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn chậm, nhất là đối với các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Công tác triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc. Chất lượng tín dụng thuộc chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân chưa được cải thiện.
Trong phần chất vấn sáng 6/11, các câu hỏi được tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến ngành giáo dục, nông nghiệp, y tế và thông tin truyền thông.