Luôn sẵn sàng phương án hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), sau hơn 3 tháng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, tín dụng… nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến 13/7/2020, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt hơn 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 154 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng cần kịch bản từng cấp độ để có giải pháp phù hợp hỗ trợ DN |
Không chỉ ở thời điểm khi dịch bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn nền kinh tế, ngay cả khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các ngân hàng vẫn tích cực triển khai các chương trình quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động, đồng thời đưa ra những phương án để hỗ trợ cho DN, trong đó dành ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế… Như HDBank dành 24.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng DNNVV; 10.000 tỷ đồng hỗ trợ cho DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, khách hàng cá nhân mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo…
Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết, ngân hàng này đặc biệt quan tâm tới đối tượng DNNVV khi đưa ra hàng loạt gói tín dụng với lãi suất ở nhóm thấp nhất thị trường để hỗ trợ trong bối cảnh những đối tượng này vừa thiếu hụt dòng tiền, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. VietinBank cũng giới thiệu đến khách hàng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng nổi bật dành cho phân khúc khách hàng DNNVV như VietinBank SME Stronger; eFAST, các sản phẩm tính năng mới hỗ trợ cho DN thời kỳ hậu Covid-19 phục hồi và phát triển.
Đại diện SHB cũng thông tin, trong năm nay sẽ đẩy mạnh hoạt động các Trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại chi nhánh lớn của ngân hàng này trên toàn quốc. Cùng với đó, nhà băng này sẽ đưa vào triển khai các gói sản phẩm, dịch vụ tiện ích dành riêng cho các khách hàng cá nhân và DN quan tâm tới việc bán hàng qua hệ thống Amazon. Thông qua sàn thương mại điện tử có quy mô toàn cầu này sẽ tăng khả năng tiếp cận thị trường của DN Việt tới hơn 300 triệu tài khoản người tiêu dùng thế giới. Đây được xem là sự khác biệt khi là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ đào tạo, tư vấn quy trình, kết nối, cung cấp dịch vụ cho các khách hàng tiếp cận với sàn giao dịch thương mại điện tử Amazon.
Hiện nay, dịch đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam trong những ngày cuối tháng 7 cũng đã xuất hiện ca nhiễm mới sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Để lường đón và có giải pháp trước ảnh hưởng sâu rộng có thể xảy ra do tác động của dịch, sau khi tổ chức hàng loạt các Hội nghị kết nối ngân hàng - DN trên nhiều địa phương trong cả nước hơn hai tháng qua, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất từ phía DN, sở, ban, ngành, NHTM, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc NHNN Việt Nam sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phù hợp hơn với thực tế.
Hiện các đơn vị này đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để trình Thống đốc NHNN ban hành theo hướng, những chính sách này được áp dụng cho những khoản nợ sau ngày 23/1/2020 và sẽ được kéo dài tới 31/12/2020. Chuyên gia cho rằng, một phiên bản mở rộng của Thông tư 01 có thể được ban hành sắp tới đây sẽ là giải pháp thêm một bước để các ngân hàng tăng điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, bản thân khách hàng cũng sẽ phần nào giảm gánh nặng trả nợ do doanh thu nguy cơ tiếp tục sụt giảm.
Không chỉ hỗ trợ nền kinh tế, DN thông qua các hoạt động nghiệp vụ mà ngành Ngân hàng còn trực tiếp chung tay phòng chống đại dịch Covid-19. Đơn cử SHB, thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã ủng hộ 2 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sau khi 3 địa phương này có các trường hợp mắc Covid-19.
Giới chuyên gia nhận định, không thể nói trước được điều gì về diễn biến và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, toàn nền kinh tế, trong đó có hệ thống ngân hàng đã có kinh nghiệm để sẵn sàng ứng phó, cũng như những kịch bản từng cấp độ để có giải pháp, phương án kịp thời, phù hợp. “Tôi cho rằng phải đề cao trách nhiệm của hai bên, cả phía ngân hàng và DN, bởi càng trong những lúc khó khăn, thì sự thấu hiểu, tương trợ lẫn nhau mới đạt hiệu quả cao nhất, khi ngân hàng giải toả được phần nào áp lực, và nguồn vốn của ngân hàng cũng tới được với DN kịp thời, đúng địa chỉ”, chuyên gia chia sẻ.