Mô hình nào cho quỹ phát triển hạ tầng miền Đông?
Mỗi năm cần đầu tư gần 74.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện nay việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối liên vùng Đông Nam bộ là một trong những chiếc lược đầu tư dài hạn và quan trọng bậc nhất ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Căn cứ trên 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ này tính toán tổng nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ cho cả giai đoạn 2021-2030 là khoảng 738.500 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần 342.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 cần 396.500 tỷ đồng (trung bình mỗi năm khoảng 73.850 tỷ đồng).
Theo đó, những năm còn lại của giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương và địa phương chỉ có thể bố trí trung bình khoảng 18.100 tỷ đồng mỗi năm cho các dự án hạ tầng trọng điểm. Số còn lại (trung bình khoảng 50.300 tỷ đồng/năm) phải huy động từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp, vốn tín dụng và các nhà đầu tư khác.
Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ cho rằng, để xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông liên vùng hiện nay, các địa phương trong khu vực miền Đông Nam bộ cần tập trung thúc đẩy mạnh tất cả các dự án trên 5 tuyến vận tải.
Theo đó, đường bộ cần hoàn thiện các tuyến cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đường vành đai. Về đường sắt, cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, đầu tư các tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu – TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai - Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
Trong khi đó, đường thủy nội địa cần đầu tư các tuyến TP. Hồ Chí Minh nối Kiên Lương (Kiên Giang), Cà Mau, Bến Kéo (Tây Ninh) và Bến Súc (Bình Dương). Đối với hàng hải và hàng không, những dự án quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ và huy động vốn đầu tư là nâng cấp cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp; trung tâm logistic Cái Mép Hạ, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nguồn vốn đầu tư đồng bộ và cùng lúc hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông lớn như kể trên là rất lớn. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ cần thống nhất một cơ chế tài chính và đầu tư kết nối liên vùng. Từ đó đề xuất áp dụng mở rộng các nội dung có trong Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, đối với các địa phương khác để thuận lợi trong quá trình kêu gọi đầu tư.
Mỗi năm các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư (trong ảnh Nhà ga Metro số 1) |
Ngóng mô hình quỹ hạ tầng mới
Trên cơ sở những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, đầu tháng 10, HIDS đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo bàn về cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng.
WB đề xuất thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ với một số phương án khác nhau, bao gồm: không thành lập quỹ chung mà sáp nhập các quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện có để đầu tư toàn vùng hoặc nâng cấp Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) để tạo thành quỹ hạ tầng; bổ sung phạm vi hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trong đó bao gồm các chức năng của quỹ phát triển hạ tầng vùng; thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng như một ngân hàng chính sách mới, với các thành viên góp vốn là Chính phủ và UBND các địa phương.
Trong số đó, chuyên gia của WB ưu tiên phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng như một ngân hàng chính sách mới. Mô hình này có thể hình thành một định chế tài chính đầu tư chuyên nghiệp, có cơ sở pháp lý vững chắc và phạm vi hoạt động đủ rộng để huy động thêm các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Đồng tình quan điểm này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, quỹ đầu tư hạ tầng vùng sẽ là động lực thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm liên vùng. Vì thế, nên nghiên cứu thành lập quỹ như một định chế độc lập, không dựa nhiều vào ngân sách mà có thể mở rộng để huy động mạnh mẽ vốn đầu tư từ khối tư nhân.
Theo các chuyên gia của HIDS, những phương án thành lập quỹ đầu tư hạ tầng mà WB đề xuất, trên thực tế Viện này cũng đã tính toán đến. Trước đó, HIDS đã đặt vấn đề thành lập quỹ này theo hai hướng: TP. Hồ Chí Minh chủ động thành lập quỹ sau đó huy động vốn từ ngân sách Trung ương và các địa phương trong vùng; hoặc thành lập quỹ theo mô hình trực thuộc Chính phủ hoặc gắn kết với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ.
HIDS cho rằng, phương án thứ hai phù hợp trong bối cảnh nếu có một nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách riêng cho vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của quỹ này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thêm. Trong đó, pháp lý cần tạo được điểm hội tụ để triển khai thí điểm cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách để thực hiện các dự án có tính chất vùng, liên vùng đã được dự thảo hoặc đang đề xuất.