Mở rộng thị trường xuất khẩu phần mềm
Ngành kinh tế mũi nhọn
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên diện rộng trong cả nước nói chung và tại TP. Đà Nẵng nói riêng. Hệ lụy kinh tế thành phố không thể duy trì mức tăng trưởng như các năm trước. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng sụt giảm và có mức tăng trưởng rất thấp, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) chỉ tăng 0,18% so với năm 2020. Tuy nhiên, điểm sáng trong bức tranh kinh tế ảm đạm đó, là ngành công nghệ thông tin nói chung và xuất khẩu phần mềm của Đà Nẵng nói riêng lại có mức tăng trưởng doanh thu khá tốt. Đây là một trong số ít ngành kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, trở thành một trong những trụ đỡ chính đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của thành phố trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Văn Vũ - Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, năm 2021 lĩnh vực thông tin và truyền thông tiếp tục giữ đà tăng trưởng (hơn 10,4%), trở thành một trong những trụ đỡ chính đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông năm 2021 của thành phố ước đạt 15.623 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2020. Trong đó, dịch vụ viễn thông đạt 11.438 tỷ đồng, tăng 11,2%; lập trình máy tính và các dịch vụ liên quan ước đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 8,7%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước đạt 98,5 triệu USD, tăng 6,3%. Như vậy, quy mô giá trị tăng thêm toàn ngành khoảng 8.641 tỷ đồng, tăng gần 769 tỷ đồng so với năm 2020, đóng góp 8,2% trong cơ cấu GRDP...
Công nghệ thông tin đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng |
Thời gian qua, trong khi đa số các ngành dịch vụ, sản xuất phải đóng cửa vì dịch bệnh thì sản xuất phần mềm của Đà Nẵng vẫn duy trì hoạt động tốt, đóng góp vào doanh thu và an sinh xã hội của địa phương. Một phần do đặc thù của ngành, đồng thời do các chính sách đồng hành, hỗ trợ để thay đổi các thủ tục hành chính truyền thống bằng những phương pháp mới và hiệu quả hơn dựa trên ứng dụng và đổi mới công nghệ. Trên thực tế, tuy không chịu tác động trực tiếp, song ngành xuất khẩu phần mềm cũng không tránh được ảnh hưởng khó khăn bởi dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn đặt hàng từ nước ngoài do một số công ty đối tác buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Bởi, nhờ tính chất linh hoạt, sử dụng công nghệ cao và mô hình sản xuất ít tiếp xúc, ngành xuất khẩu phần mềm đã nhanh chóng phục hồi ngay cả khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như trong thời gian qua.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm tại Đà Nẵng đã phục hồi lại phần lớn số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài, thậm chí còn có cơ hội tìm kiếm thị trường mới... Ông Nguyễn Tuấn Phương - Chủ tịch FPT software Đà Nẵng cho biết, dịch bệnh đã gây ra những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với giải pháp phù hợp, công ty vẫn tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, duy trì việc làm cho gần 4.000 lao động. FPT có những dịch vụ cung cấp cho khách hàng không được gián đoạn và chỉ ở trụ sở công ty mới có hạ tầng, máy móc, vì thế khi thành phố thực hiện giãn cách nghiêm ngặt chống dịch, công ty phải đảm bảo sản xuất theo phương án “ba tại chỗ”.
Tìm kiếm thị trường mới
Những năm gần đây, chính quyền TP. Đà Nẵng đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế trọng điểm của thành phố. Trong đó, việc sản xuất phần mềm của địa phương đang có sự chuyển dịch lớn sang các sản phẩm hoàn thiện, chất lượng, có giá trị gia tăng cao thay vì gia công như trước đây. Nhiều dự án lớn về hạ tầng công nghệ thông tin cũng đang được triển khai tại thành phố, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới. Trong số đó, phần lớn đến từ Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Để tập trung phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, chính quyền thành phố đã tập trung xây dựng cơ chế, đầu tư hạ tầng viễn thông, các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung… thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Hiện, Đà Nẵng có khoảng 7.000 doanh nghiệp số, trung bình 2,1 doanh nghiệp công nghệ thông tin/1 nghìn dân. Trong số đó, có thể kể đến những dự án lớn như dự án của FPT triển khai dự án 1 tỷ USD trên diện tích 181 ha nằm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, không ít tập đoàn công nghệ hàng đầu, hàng trăm doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhỏ khác nhau cũng đang đầu tư, phát triển tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, Đà Nẵng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ của dự án công viên phần mềm số 2, mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Công trình gồm khối tòa nhà văn phòng ICT 20 tầng; khối toà nhà văn phòng trụ sở ICT1 8 tầng; khối tòa nhà văn phòng trụ sở kết hợp khu cà phê 8 tầng ICT2, cùng hệ thống tiện ích đi kèm... Sau khi hoàn thành dự án, dự kiến sẽ đáp ứng cho khoảng 6.000 vị trí việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số. Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa đối với phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, khơi thông nguồn vốn, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu toàn ngành ICT thu về 2,34 tỷ USD, đóng góp 10% vào tổng GRDP của thành phố và đến năm 2030, doanh thu ICT sẽ đóng góp 15% vào tổng GRDP của thành phố. Theo nhiều người, đây chính là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, thay vì chỉ trông chờ vào du lịch, dịch vụ như trước đây.
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp, mở rộng thị trường và phát triển nhân lực đang là hai mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng đặt ra trong năm 2022. Trong đó, việc mở rộng thị trường đang được nhiều doanh nghiệp tập trung thực hiện. Hiện, thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của TP. Đà Nẵng vẫn là Nhật Bản chiếm đến 70%, tiếp theo là thị trường Mỹ chiếm 20%. Nhìn về tương lai, thị trường xuất khẩu phần mềm ở Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng. Bởi, các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng thuê làm gia công phần mềm...
Để tìm kiếm thêm nhiều hợp đồng lớn từ các thị trường mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm trên địa bàn thành phố đang đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển công nghệ thông tin Enouvo (quận Sơn Trà), trong năm tới, Enouvo sẽ tăng thêm 50% số lượng nhân sự và tăng chất lượng nhân sự. Đặc biệt, công ty sẽ phát huy thế mạnh ở dịch vụ phát triển sản phẩm và cung cấp giải pháp công nghệ; đồng thời mở rộng kinh doanh ở những thị trường mới, trọng tâm như Úc, Canada, Mỹ, Singapore và các nước châu Âu...