Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực: Hai đột phá cho “đầu tàu” Miền Trung
Du lịch Đà Nẵng gặt hái quả ngọt Du lịch Đà Nẵng: Kỳ vọng và những đột phá |
Thúc đẩy thương mại, du lịch
Điều này được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố “đầu tàu” miền Trung phát triển. Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Việc cho phép thí điểm thành lập Khu thương mại tự do sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI, đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của Đà Nẵng.
Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo tăng trưởng hàng hóa qua các cảng biển của thành phố, thúc đẩy Đà Nẵng thành trung tâm cảng biển của khu vực miền Trung và kéo theo nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế. Cụ thể, sẽ thúc đẩy các hoạt động logistics, nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại, tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…), góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên…
Mô hình khu thương mại tự do phức hợp mà dự thảo đề án đề cập được tiệm cận theo mô hình thành công như Khu thương mại tự do Jebel Ali ở Dubai (UAE), Thượng Hải và Hải Nam (Trung Quốc)... Các khu thương mại tự do này phức hợp nhiều chức năng như: sản xuất, logistics và thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, khu thương mại có thể mang lại các lợi ích gián tiếp như: Hình thành trụ sở của các tập đoàn lớn, đổi mới khoa học kỹ thuật công nghệ, phát triển kinh tế hàng hải, thu hút nhân tài... mang lại tác động lớn đối với kinh tế - xã hội.
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho rằng: Với vị trí chiến lược của Đà Nẵng vừa có cảng biển nước sâu, cảng hàng không quốc tế, vừa có khu vực biên giới biển, biên giới đường bộ, đồng thời là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây... hoàn toàn có thể thiết lập được Khu thương mại tự do. Khi Khu thương mại tự do Đà Nẵng ra đời, sẽ gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, giúp thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, phân loại, đóng gói hàng xuất khẩu, nhập khẩu...
Tuy nhiên, để đạt hiểu quả, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nêu ra một số điểm lưu ý đối với việc triển khai, vận hành Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Đó là, thủ tục hải quan cần phải cực kỳ đơn giản, rút ngắn thời gian xử lý tất cả các công việc và hiện đại hóa, thông minh toàn bộ. Bên cạnh thuế xuất nhập khẩu, cần thêm ưu đãi về thuế và phí cùng các hỗ trợ khác, nhất là đối với nhà đầu tư chiến lược ở bên trong; hạ tầng dịch vụ phải hiện đại, tạo thuận lợi sản xuất, kinh doanh và phải hiện đại hơn bất cứ khu nào ở bên ngoài thì mới có lợi thế được.
Tiếp đó, những nhà sản xuất, doanh nghiệp trong khu thương mại tự do được tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, chế tạo, lắp ráp... theo nhu cầu của thị trường; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn so với bên ngoài để thu hút doanh nghiệp vào khu thương mại tự do; phát triển được công nghiệp hỗ trợ, tái xuất và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trên tất cả các công đoạn với một hệ thống dịch vụ logistics hiện đại. Xây dựng khu thương mại tự do phải tận dụng vị trí chiến lược của Đà Nẵng, một trung tâm logistics và giao thông khu vực, đặc biệt là phải xây dựng được cảng biển hiện đại; thúc đẩy mạnh các doanh nghiệp trong khu thương mại tự do đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp R&D và hỗ trợ nghiên cứu.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: Việc Quốc hội cho phép Đà Nẵng được thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, là "cú hích", động lực lớn để kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung phát triển.
Khu thương mại tự do và Trung tâm tài chính khu vực: Hai đột phá cho “đầu tàu” Miền Trung |
Mở không gian cho thị trường tài chính hiện đại
Thêm một tin vui nữa là Bộ Chính trị vừa đồng ý thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Mô hình Trung tâm tài chính Đà Nẵng có 3 cấu phần. Thứ nhất, trung tâm tài chính offshore (hải ngoại) thu hút các nhà đầu tư quốc tế thành lập định chế tài chính, tổ chức thị trường cung cấp dịch vụ mang tính tích hợp trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực. Thứ hai, thu hút các công ty fintech cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù, kết nối dịch vụ fintech và tài trợ các startup trong lĩnh vực kinh doanh khác. Cuối cùng, là các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm cùng dịch vụ tiện ích khác.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Việc xây dựng cũng như đưa vào hoạt động Trung tâm tài chính khu vực đòi hỏi thời gian dài, ít nhất là 5 năm. Để có thể lựa chọn mô hình phù hợp cũng như vận hành hiệu quả, cần phải nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Ưu thế của Đà Nẵng là cơ chế, chính sách đặc thù, được áp dụng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược, tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính và ưu đãi về thuế. Đà Nẵng cũng được áp dụng cơ chế, chính sách phát triển thị trường vốn, huy động vốn, chính sách ngoại hối, chính sách phát triển fintech...
Cảng Liên Chiểu đang được thi công - Khu thương mại tự do sẽ gắn với cảng Liên Chiểu và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng |
Song song với việc hoàn thiện thủ tục đề án, thời gian qua Đà Nẵng chủ động tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, đại diện các quốc gia có mô hình trung tâm tài chính, đơn vị tư vấn hỗ trợ, cung cấp một số mẫu hình trung tâm tài chính trên thế giới gắn với các đặc điểm mô hình, lĩnh vực trọng tâm, các chính sách và chiến lược phát triển cơ bản… để xây dựng Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng. Trong đó, thành phố đã làm việc, đề xuất và nhận được sự hỗ trợ của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), đại diện Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY).
Theo đại diện các tổ chức này, trung tâm tài chính là khái niệm mới, chưa có thực tiễn tại Việt Nam. Khó khăn trước mắt là chưa có mẫu hình, kiểu mẫu tham chiếu trong việc xây dựng mô hình phù hợp. Trung tâm tài chính hình thành và phát triển tùy thuộc rất lớn vào khung thể chế của quốc gia. Đà Nẵng cần phối hợp với các bên liên quan, các đơn vị tư vấn và xin ý kiến Trung ương về mức độ thí điểm phù hợp. l
Trưởng nhóm công tác về trung tâm tài chính quốc tế của TheCityUk khuyến nghị, trong quá trình chuẩn bị dự án và bắt tay vào xây dựng, Đà Nẵng cần tập trung các hoạt động tài chính, lĩnh vực tài chính mà thành phố có thế mạnh, xây dựng cơ chế và khung thể chế tạo điều kiện phù hợp để Trung tâm tài chính khu vực hoạt động hiệu quả. Trung tâm tài chính khu vực không đơn thuần là cơ sở hạ tầng mà vấn đề quan trọng nhất là cơ chế, khung thể chế phù hợp với các hoạt động.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang là điểm sáng về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đồng thời sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có và dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại. Đà Nẵng là địa phương sở hữu những lợi thế riêng có phù hợp với nhu cầu đầu tư của cộng đồng quốc tế. Về vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng, có tính kết nối cao về giao thông quốc tế. Đà Nẵng không chỉ có cảng hàng không quốc tế được xếp hạng chất lượng tốt trên thế giới nằm ngay trung tâm thành phố mà còn sở hữu môi trường sống, hạ tầng đô thị, các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam nhận được sự chú ý và đánh giá cao của các nhà đầu tư tài chính quốc tế để phát triển hạ tầng và xây dựng các trung tâm tài chính và giải trí thế giới tương tự như mô hình của Singapore, Dubai…
Các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn quốc tế nhận định Đà Nẵng có tiềm năng phát triển và hợp tác với các Trung tâm tài chính khác để tận dụng lợi thế hiện tại về múi giờ, sự ổn định chính trị, thể chế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đặc biệt khi kết hợp cùng khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội phát triển các liên kết tài chính - thương mại quốc tế, công nghệ cao để đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia và khu vực.