Mối lo về gián đoạn nguồn cung năng lượng
Theo ông Michael Harris - chuyên gia cấp cao của Cribstone Strategic Macro, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nên trợ cấp cho các hoạt động khai thác khi giá dầu leo lên mức cao nhất kể từ năm 2008 do lo ngại về gián đoạn nguồn cung từ Nga. Các nhà phân tích cho rằng, việc đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng này sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ đối với thị trường dầu khí và nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ, Arab Saudi và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sang các thị trường trên toàn cầu. Đồng thời, Nga cũng là một nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên rất lớn.
Sự vắng mặt nguồn cung năng lượng từ Nga trên thị trường châu Âu có thể sẽ dẫn đến “một cú sốc lớn” |
Thực tế diễn biến trên thị trường đã cho thấy, giá dầu trên thế giới đã tăng hơn 60% kể từ đầu năm do khủng hoảng và viễn cảnh Mỹ cùng các đồng minh phương Tây áp đặt lệnh cấm khiến dầu thô của Nga khó gia nhập thị trường đã làm tăng thêm cho giá dầu. Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, cộng với sự gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế lên mức 120 USD/thùng. Dầu Brent tương lai giao dịch cao hơn 1,6% lên 114,72 USD/thùng tại London, trong khi giá dầu thô Tây Texas Trung kỳ của Mỹ tăng 2,2% lên 113,06 USD/thùng.
Không chỉ dầu thô, căng thẳng Nga-Ukraine leo thang đã dẫn đến những lo ngại ngày càng sâu sắc hơn về việc gián đoạn nguồn cung khí đốt toàn bộ cho EU - những quốc gia nhận khoảng 40% khí đốt thông qua các đường ống của Nga và một số đoạn chạy qua Ukraine. Việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Nga có thể gây ra những hậu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là khi hiện đang là mùa đông tại châu Âu và các chính phủ đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19 tại các nước này.
Bà Brenda Shaffer - cố vấn cao cấp về năng lượng của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ cho biết, sự vắng mặt nguồn cung năng lượng từ Nga trên thị trường châu Âu có thể sẽ dẫn đến “một cú sốc lớn” đối với giá dầu toàn cầu và nền kinh tế thế giới.
Trước tình thế này, mới đây các thành viên của Cơ quan Năng lượng quốc tế đã đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ, trong một nỗ lực nhằm bù đắp sự gián đoạn thị trường năng lượng do các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Đại diện chính phủ Mỹ cho biết, có tới 30 triệu thùng trong tổng số này sẽ được xuất từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của họ. Tuy nhiên hiện các đối tác OPEC và đồng minh (OPEC +) hiện vẫn bám sát kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 4/2022.
Trên thực tế, lãnh đạo OPEC cho rằng, Saudi Arabia cùng với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Kuwait có thể nằm trong số ít thành viên của liên minh có đủ năng lực dự phòng để tăng cường sản xuất.
Bên cạnh những tác nhân chủ quan do cuộc căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra, Liên hợp quốc cũng cảnh báo về việc nguồn cung của dầu thô cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu con người tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu) cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm gia tăng sự gián đoạn nguy hiểm và lan rộng trong tự nhiên và đang tác động mạnh tới con người và các hệ sinh thái ít có khả năng đối phó. Chỉ trong khoảng thời gian 12 tháng vừa qua, thế giới đã chứng kiến những đợt nắng nóng và cháy rừng kỷ lục ở Bắc Mỹ, lũ lụt gây tàn phá ở châu Âu và Trung Quốc, hạn hán nghiêm trọng gây ra cuộc khủng hoảng đói trên khắp vùng Sừng châu Phi và những thay đổi chưa từng có ở các vùng cực.
Một quan chức của Liên hợp quốc cho biết, việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch khiến nền kinh tế toàn cầu và an ninh năng lượng dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng và cú sốc địa chính trị.
Ông John Kerry - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu cho biết, báo cáo của IPCC đã vẽ nên một bức tranh thảm khốc về những tác động đã xảy ra do sự nóng lên của trái đất và những rủi ro khủng khiếp đối với hành tinh của chúng ta nếu chúng ta tiếp tục phớt lờ khoa học.