Năm thứ hai thương chiến: Mỹ và Trung Quốc nhận lại những gì?
Tác động tiêu cực của thương chiến Mỹ - Trung phủ rộng ảnh hưởng lên nhiều lĩnh vực, không chỉ tác động đến sản xuất, thu hẹp xuất khẩu, mà còn sụt giảm tăng trưởng, dẫn tới những điều chỉnh trong chiến lược đầu tư và thay đổi quan điểm đối với chính sách tiền tệ…
Tăng trưởng kinh tế chậm lại
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội - thước đo quan trọng nhất của một nền kinh tế - đã chậm lại ở cả Mỹ và Trung Quốc trong năm 2019.
Một số nhà kinh tế dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng ở cả hai quốc gia thậm chí có thể còn khiêm tốn hơn nữa trong năm 2020 này, do các tranh chấp thương mại và những thách thức trong nước vẫn tiếp diễn. Tình trạng này sẽ gia tăng áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.
Ngoại thương sụt giảm
So với năm 2018, cả xuất khẩu và nhập khẩu năm 2019 đã giảm ở cả hai nước. Điều này xảy ra trong bối cảnh giao dịch thương mại quốc tế thu hẹp trên phạm vi toàn cầu - một xu hướng mà một số chuyên gia cho biết đã bắt đầu ngay cả trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tổng thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ, chủ yếu là do mất cân bằng song phương với Trung Quốc, đã không thay đổi nhiều trong năm 2019. Đáng ngạc nhiên là điều này diễn ra khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm mạnh, trong 10 tháng năm 2019 là 294,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018 là 344,5 tỷ USD, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ.
Sản xuất suy thoái
Các lĩnh vực sản xuất của Mỹ và Trung Quốc đều phải chịu sức ép từ việc nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, trong đó thương chiến giữa hai nước cũng góp phần làm cho viễn cảnh mở mịt hơn.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc - một thước đo quan trọng đối với ngành sản xuất - duy trì trong vùng điểm phản ánh tình trạng co hẹp trong hầu hết năm, ở dưới 50 điểm. Trong khi tại Mỹ, PMI lĩnh vực sản xuất cũng cho thấy hoạt động ngành công nghiệp suy giảm kể từ tháng 8.
Doanh số bán lẻ vẫn ổn định
Tuy nhiên, tiêu dùng ở Mỹ và Trung Quốc lại là một trong những điểm sáng của hai nền kinh tế trong năm 2019, do được hỗ trợ bởi một thị trường lao động ổn định.
Nhưng, có những rủi ro khiến sự lạc quan khó có thể được duy trì.
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng thuế quan bổ sung của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Còn tại Trung Quốc, giá thịt lợn tăng bào mòn sức mua và có thể khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu cho các hàng hóa dịch vụ khác, ông Francis Tan, chiến lược gia đầu tư tại Ngân hàng UOB Private Bank của Singapore, cho biết.
Biến động giá tiền tệ
Với một nền kinh tế mạnh của Mỹ và nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên tìm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình, nhu cầu đối với đồng bạc xanh đã gia tăng làm tăng giá trị của đồng tiền này trong năm 2019.
Ngược lại, chính quyền Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ mất giá trong phần lớn thời gian trong năm. Động thái đó đã dẫn tới cáo buộc thao túng tiền tệ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết giá trị của đồng nhân dân tệ phù hợp với các nguyên tắc kinh tế cơ bản của Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán tăng tốc
Trên thị trường tài chính, việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giảm căng thẳng chiến tranh thương mại trong những giai đoạn nhất định của năm 2019 đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và đẩy giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ lên nhiều mức cao mới trong năm nay, bất chấp lợi nhuận của các công ty thấp hơn.
Ở Trung Quốc, Chỉ số chứng khoán Thượng Hải cũng ghi nhận mức tăng hai con số trong năm 2019.