Thương chiến Mỹ - Trung tạo cơ hội cho ngành sản xuất Việt Nam
Trong khuôn khổ triển lãm MTA Hanoi 2019, sáng 17/10, hội thảo với chủ đề “Sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm Made in Vietnam” nhận được nhiều đánh giá tích cực về lợi ích Việt Nam đạt được trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung tác động mạnh mẽ đến thương mại, chuỗi sản xuất và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với ngành sản xuất và tạo cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp.
Tại hội thảo, đánh giá về những cơ hội và thách thức đối với ngành sản xuất Việt Nam, ông Suan Tech Kin, Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Thị trường toàn cầu Ngân hàng UOB cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Thậm chí, tranh chấp thương mại đã mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ, đầu tư, và thậm chí cả dòng vốn giữa hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc.
Các công ty ngày càng quan ngại về ảnh hưởng của thuế quan thương mại và các hình thức bảo hộ thương mại khác. Khi di chuyển chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian, rất nhiều công ty đang chủ động lên kết hoạch rút bớt hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc để giảm thiểu tác động tiêu cực về thuế, nhưng đồng thời cũng cân nhắc đa dạng hóa rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như thị trường.
Đề cập đến việc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo cơ hội cho Việt Nam nổi lên như là một cứ điểm sản xuất quan trọng của Châu Á, ông Hans Kerstens, Giám đốc kinh doanh Khu công nghiệp Deep C nhận định: “Bất động sản công nghiệp được coi là ngành trụ cột cho bất kỳ nền kinh tế sản xuất đang phát triển nào”.
Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 500 khu công nghiệp với tổng diện tích 500.000 ha.
Trong những năm gần đây, sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng với sự chuyển mình trong chuỗi giá trị, đã mở ra một tương lai tươi sáng cho thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Sự bùng nổ của thị trường logistics, các chính sách ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được cho là 3 yếu tố quan trọng nhất tạo ra động lực phát triển bất động sản công nghiệp.
Do vậy, lựa chọn khu công nghiệp nào để mở nhà máy tại Việt Nam đòi hỏi rất nhiều yếu tố cần cân nhắc như vị trí, tiện ích đi kèm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng cho đến sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, ưu đãi thuế và nguồn lao động. Các nhà đầu tư cần hiểu sâu sắc những ưu và nhược điểm của từng Khu công nghiệp dựa trên các yếu tố này để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Phần cuối hội thảo, các diễn giả tập trung vào phần thảo luận chính của hội thảo khi cho rằng ngày nay rất phổ biến việc có nhiều hơn một quốc gia xuất xứ liên quan đến hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, chủ yếu đối với hàng hóa được sản xuất hoặc lắp ráp.
Đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, các diễn giả dành lời khuyên cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất hàng hoá tại Việt Nam mà liên quan đến Trung Quốc hoặc các quốc gia đầu vào khác để có được sự chấp nhận bởi Hải quan Mỹ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu Nghị định 31/2018/NĐ-CP Ngày 8/3/2018 hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Văn bản này cung cấp quy tắc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam…