Nan giải ngăn chặn sâm nhập lậu
Bắt vụ vận chuyển Sâm Ngọc Linh giả tại "thủ phủ" sâm thật Ngân hàng chung tay bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Lần đầu tổ chức lễ hội sâm cấp quốc gia |
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam". |
Ngày 8/9, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm "Giải pháp ngăn chặn và xử lý sâm nhập lậu, bảo vệ người trồng sâm Việt Nam" với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nông dân trong cả nước.
Sâm giả rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá rẻ
Hiện có hai vùng trồng sâm có giá trị tại Việt Nam là: vùng sâm Ngọc Linh trồng tại Quảng Nam, Kon Tum và vùng trồng sâm Lai Châu tại tỉnh Lai Châu. Trong đó, sâm Ngọc Linh – loại sâm đặc hữu ở Quảng Nam và Kon Tum với hàm lượng saponin vượt trội các loại sâm nổi tiếng trên thế giới.
Tại tỉnh Kon Tum, có 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng sâm Ngọc Linh là 1.749,3 ha với khoảng 29,9 triệu cây.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam là 15.568 ha, tổng diện tích rừng có trồng sâm Ngọc Linh là 456 ha. Năng suất ước tính khoảng 547 kg/ha (đối với loại sâm sau khi trồng được 5 năm tuổi).
Đến nay, cây sâm của Việt Nam đã giúp rất nhiều hộ nông dân khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa thoát nghèo, các doanh nghiệp, HTX trồng, phát triển sâm ngày một phát triển.
Ông Nguyễn Trọng Lịch – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu chia sẻ, hiện tỉnh Lai Châu mới phát triển với diện tích nhỏ, đang tập trung phát triển trồng, nhân giống sâm. Hiện nay, vấn đề khai thác là có nhưng chưa đáng kể, các sản phẩm sâm mang tính thương hiệu chưa có sản phẩm đại trà; với một số sản phẩm đơn giản như: Sâm ngâm rượu, sâm ngâm mật ong...
Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện những thương nhân buôn bán "sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu" với mức giá rẻ hơn sâm chính gốc vài chục lần.
Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng/kg. Còn trên thị trường trôi nổi, loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg.
Theo ông Ngụy Đình Phúc – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Kon Tum cho biết, trên không gian mạng, có rất nhiều mặt hàng từ củ, cây sâm được rao bán, mạo danh logo, sự kiện lớn, các nhân vật uy tín của doanh nghiệp lớn để bán sâm. Cây sâm con hiện nay có giá 300.000 đồng/cây, nhưng sâm Trung Quốc chỉ 25.000 – 30.000 đồng/cây.
Cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện tình trạng nhập lậu sâm không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về Việt Nam, trà trộn rồi mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu.
Nguy hiểm hơn, khi kiểm nghiệm sâm của Trung Quốc phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép. Trong đó có cả hoạt chất bảo vệ thực vật đã cấm ở Việt Nam, sử dụng các sản phẩm sâm nhập lậu không rõ nguồn gốc ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân đã đầu tư nhiều tiền của vào lĩnh vực này, nhiều nông dân đã bày tỏ mối lo ngại có thể dẫn tới phá sản nếu tình trạng sâm nhập lậu không được ngăn chặn kịp thời".
Thực trạng đó đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý xâm nhập lậu từ Trung Quốc.
Ngăn chặn sâm nhập lậu từ Trung Quốc
Để đảm bảo được quyền lợi của người trồng sâm cũng như bảo vệ được thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh, ông Phúc cho rằng, cần phải có sự tham gia giám sát từ dân, cùng nhau kiểm soát, ngăn ngừa việc sâm nhập lậu từ Trung Quốc.
"Công tác tuyên truyền cũng vô cùng quan trọng, chưa có lần tuyên truyền nào người dân khẳng định nhận biết được sâm Ngọc Linh. Có những trung tâm kiểm định gửi bản kiểm định sâm Trung Quốc rất giống sâm Ngọc Linh", ông Phúc chia sẻ.
Như vậy sẽ rất khó cho cơ quan chức năng để phân biệt, can thiệp, quản lý nguồn sâm từ Trung Quốc. Hiện nay, công cuộc bảo vệ người nông dân khá gian nan, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành cùng chung tay.
Ông Trần Đức An – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông KonTum cho biết: Tại Kon Tum, việc chất lượng sâm là điều kiện hàng đầu. Trước mắt phải bảo tồn được nguồn gen, chữ Ngọc Linh.
Ông An đề xuất thành lập Hiệp hội Sâm Việt Nam cho cả Lai Châu và Quảng Nam. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều sâm Ngọc Linh. Việc cấp mã số vùng trồng còn là quản lý số lượng sâm là 2.200 cây, phải đảm bảo khi cơ quan chức năng kiểm tra, sâm phải đúng là sâm Ngọc Linh. Người trồng cũng cảnh giác khi lựa chọn mua hạt sâm giống, tránh mua nhầm, gây lai tạo, mất giá trị sâm.
Theo ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý Thị trường), bản chất sâm Trung Quốc chuyển về có nguồn gen giống sâm Việt Nam. Nó chỉ khác nhau ở quy trình trồng sâm Trung Quốc rất ngắn, trồng sâm ở Việt Nam rất dài nên khi mua phải hàng giả người ta dùng các chất kích thích, hóa chất chúng ta không biết.
Nhận thức được điều này, Cục đã có những văn bản chỉ đạo địa phương cần tăng cường giám sát nắm bắt tình hình, thống kê được các hộ kinh doanh. Từ đó, chúng tôi tăng cường trao đổi với các cơ quan chức năng như: Công an, Biên phòng, Hải Quan, và các cơ quan chuyên môn như Trung tâm giám định, các vùng trồng...
Khi chúng ta phân biệt được sâm Ngọc Linh, Lai Châu, sâm Việt Nam với các loại sâm nhập lậu thì có căn cứ để xử lý, để các đối tượng vi phạm có thể nhận thức được hành vi đồng thời tuyên truyền phổ biến cho người dân.
"Lúc đó, chúng ta có thể bảo vệ nguồn gen quý của sâm Việt Nam, bảo đảm được cho người nông dân trồng sâm, người kinh doanh chân chính, không để người kinh doanh làm ăn thua lỗ", ông Lê chia sẻ.