Nạn viết, vẽ lên di tích: Cần giáo dục ý thức từ ghế nhà trường
Theo nhà lý luận - phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh thuộc Bộ VH-TT&DL), trong quá trình đi khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nhiều di tích, di sản, danh thắng… trong cả nước, ông đã chứng kiến cảnh tượng chuông, trống, tháp, tường, đá, thân cây, chậu cây cảnh, bàn ghế… trong khuôn viên di tích bị vẽ - viết - khắc bằng đủ loại công cụ khác nhau.
Di tích tháp Hòa Phong giữa lòng Hà Nội thời gian qua phải “chịu trận” bởi người dân thiếu ý thức viết, vẽ bậy tràn lan |
Hậu quả của việc viết, vẽ, khắc chữ lên các hiện vật, công trình kiến trúc trong di tích lịch sử không thể cân đo đong đếm. TS. Phạm Quốc Quân thuộc Hội đồng Di sản Việt Nam nhấn mạnh, hành động viết – vẽ bậy lên di tích góp phần làm biến dạng di tích, làm cho hình ảnh của di tích bị xấu xí đi khiến du khách văn minh nhìn vào như một thứ man rợ. Điều này cũng làm méo mó đi những giá trị văn hóa và nét đẹp của đất nước trong mắt du khách.
Trên thực tế, tình trạng viết, vẽ lên di tích tại nước ta diễn ra mọi lúc mọi nơi. Dư luận từng xôn xao và bức xúc khi chứng kiến hình ảnh nhóm bạn trẻ đang vẽ lên bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh). Trong khi đó, tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cây đa hơn 800 năm tuổi “oằn lưng” chịu đựng những vết dao cứa từ khách du lịch thực hiện.
Chung số phận này còn có chùa Bửu Phong (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), một ngôi chùa cổ nổi tiếng đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên đến chùa Bửu Phong, không ít khách thập phương hoang mang bởi tại các điểm thờ tự hay trên các vách của phiến đá bắt gặp chi chít các “bút tích” của ai đó ghi lại như. “Gia đình tôi đến đây vào ngày… tháng… năm” , “Anh H yêu em T”, “I love you” “Một buổi chiều lang thang”… và kèm theo nhiều hình vẽ với những ký hiệu và hình thù lạ.
Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử độc nhất vô nhị ở nước ta cũng không tránh khỏi tình trạng di tích bị người dân viết, vẽ, khắc chữ bẩn lên di tích. Xung quanh 4 góc di tích tháp Hòa Phong (quận Hoàn Kiếm) bấy lâu và hiện tại phủ kín nhiều dòng chữ viết bằng bút xóa, các hình vẽ đủ hình dạng, màu sắc. Những câu chữ tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài chồng chéo lên nhau khiến cho tháp Hòa Phong bị biến dạng; nét rêu phong, cổ kính chỉ còn trong những trang sách, hình ảnh tư liệu.
Khu vực chân tháp Bút (đền Ngọc Sơn), nhà Thái Học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) giữa Thủ đô dù có hàng rào bảo vệ và biển báo cấm xâm phạm nhưng nhiều người trẻ vô ý thức vẫn cố tình trèo qua hàng rào để khắc tên, thể hiện tình yêu của bản thân. Ở huyện Sóc Sơn, bức tường bao chân tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc ken đặc các dòng chữ là những lời tỏ tình, lưu danh, nguyện thề thủy chung son sắt của giới trẻ.
Ngoài ra, ai đã từng đến thăm Thành nhà Mạc (Lạng Sơn) sẽ không khỏi xót xa khi một số người thiếu ý thức viết, vẽ bậy lên tường, tượng và khắc cả chữ lên thân cây. Di tích nhà tù Côn Đảo (Vũng Tàu) cũng loang lổ, biến dạng… bởi những nét vẽ, nét khắc và chữ ký của người trẻ. Chuông cổ, nhà bia, mai rùa tại Chùa Thiên Mụ thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế hiện nay cũng chi chít chữ nguệch ngoạc của các bạn trẻ viết lên như “T yêu K”, “kỷ niệm tình yêu ở Thiên Mụ” hoặc nhiều dòng chữ nguyện cầu tình yêu.
Trong khi đó tại di tích Văn Miếu (thị xã Hương Trà) nhiều năm qua, những tấm bia và nhà bia nơi đây đã bị vẽ bậy, bôi bẩn không thương tiếc bởi những người thiếu ý thức. Một số người dân đến với chùa Cổ Lễ (Nam Định) từng bất bình khi gác ba tầng tại nhà chùa bị viết chi chít chữ.
Những gì đã nói trên cho thấy, tình trạng viết, vẽ lên di tích đang trở thành vấn nạn ở nước ta. Các chuyên gia cho biết, hành vi viết, vẽ bậy lên di tích chủ yếu đến từ thói quen và sự thiếu ý thức của người dân. Vì vậy, để cải thiện tình hình, trước hết cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch của Bộ VH-TT&DL đã đề ra, có hiệu lực từ tháng 3/2017.
Nhà văn – dịch giả Di Li lại cho rằng, các khu tích nên treo nhiều biển, bảng hướng dẫn nhưng những lời trên bảng, biển hướng dẫn ấy phải đừng quá khuôn sáo mà phải tinh tế và cả hóm hỉnh để nhắc nhở du khách phải có ý thức bảo vệ các di tích, các tài sản quốc gia.
Quan trọng hơn cả, khi đến với các di tích thì mỗi người dân phải có ý thức gìn giữ nét đẹp, bảo vệ các nét đẹp truyền thống văn hóa. Đối với cá nhân, tập thể có hành vi viết, vẽ lên di tích thì cơ quan chức năng cần có hình thức xử phạt thích đáng theo điều 13 Luật Di sản Văn hóa, điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP để đủ tính răn đe.
Đặc biệt, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, chúng ta cần bắt đầu từ giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ nhà trường để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam...