Nâng cao an toàn trong thanh toán
Vào cuối năm, nhu cầu giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) bao giờ cũng cao, do đó đòi hỏi hệ thống thanh toán của các NH ngày càng phải được đầu tư hiện đại đáp ứng nhu cầu khách hàng. So với khoảng 5 năm về trước, nguồn lực về đầu tư cho công nghệ, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật đã được các NH tăng lên đáng kể. Những sự cố liên quan tới thanh toán giao dịch trực tuyến, ngay cả sự cố rút tiền tại các máy ATM cũng giảm đáng kể.
Ảnh minh họa |
Trong tương lai, thanh toán KDTM không những phổ biến ở khu vực thành thị mà còn phát triển cả ở nông thôn. Để thúc đẩy thanh toán KDTM trong nền kinh tế và mở rộng tiếp cận các dịch vụ NH cho người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trong thời gian qua NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành ưu tiên đầu tư các nguồn lực cho đổi mới công nghệ, phát triển các dịch vụ NH điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN cho biết, trước sự nở rộ của các dịch vụ thanh toán KDTM, cơ quan quản lý không khỏi lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn từ việc cung cấp dịch vụ qua mạng. Do đó, để đảm bảo an toàn cho các hệ thống dịch vụ và nhất là cho khách hàng, trong thời gian qua NHNN đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản quy phạm hướng dẫn các TCTD, các tổ chức trung gian thanh toán trong việc triển khai các dịch vụ NH điện tử đảm bảo an toàn bảo mật.
Năm 2011, Thông tư 29/2011/TT-NHNN đã được ban hành, quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ NH trên Internet. Tiếp theo đó là Chỉ thị số 01/2014/CT-NHNN về tăng cường công tác đảm bảo an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Thông tư 47/2014/TT-NHNN quy định các yêu cầu kỹ thuật về an toàn bảo mật đối với trang thiết bị phục vụ thanh toán thẻ NH. Mới đây nhất là Thông tư 31/2015/TT-NHNN về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống CNTT trong hoạt động NH.
Song song với việc ban hành các văn bản quy phạm, hàng năm NHNN đều tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện, khuyến nghị và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế. Ngoài các hoạt động nêu trên, NHNN còn là đầu mối tiếp nhận các cảnh báo về lỗ hổng bảo mật, nguy cơ mất an toàn của hệ thống CNTT từ các bộ, ngành và các tập đoàn, công ty CNTT đối tác, để cảnh báo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành có giải pháp kịp thời phòng, tránh không để xảy ra các hiện tượng mất an toàn.
Những quy định của NHNN, cùng các văn bản chỉ đạo ban hành trong thời gian qua đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, điều chỉnh và hướng dẫn các TCTD làm tốt công tác an ninh, an toàn trong công tác thanh toán.
Trên cơ sở đó, các TCTD đã quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng CNTT nói chung và hạ tầng an ninh, bảo mật cho công tác thanh toán nói riêng. Đến nay có 100% các TCTD đã đầu tư, trang bị các giải pháp an ninh bảo mật cơ bản như: tường lửa; hệ thống phát hiện xâm nhập; hệ thống phòng chống vi rút; xác thực đa thành tố, mã hóa dữ liệu, lọc nội dung trang web…
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp thúc đẩy và khuyến khích các NH đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật cao trong hoạt động thanh toán, trong thời gian tới NHNN sẽ tổ chức triển khai một số nhóm giải pháp chính.
Đó là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển hạ tầng công nghệ: Rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và quy định về CNTT để tiêu chuẩn hóa hạ tầng công nghệ NH, giúp tiệm cận với công nghệ trên thế giới. Ngành NH đang thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT 2016-2020 để phát triển đồng bộ công nghệ NH của toàn Ngành.