Nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu
Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ Cơ hội vàng cho ngành sầu riêng |
Những tín hiệu vui
Giá cà phê từ đầu niên vụ 2023-2024 tăng cao và đạt kỷ lục trong 5 năm gần đây, hiện giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu và mang lại giá trị kim ngạch lớn cho địa phương.
Ngoài ra, một số mặt hàng khác cũng có mức tăng khá như: mủ cao su đạt 764 tấn, tương ứng kim ngạch xuất khẩu 1,03 triệu USD (tăng 22,12% về giá trị); sản phẩm gỗ 1,6 triệu USD; hàng khác đạt 145,3 triệu USD (tăng 17,7% giá trị).
Để đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu đối với mặt hàng chủ lực như cà phê, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp tập trung thực hiện minh bạch đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị hạt cà phê. Đây là hướng đi của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở Gia Lai để xây dựng ngành hàng cà phê bền vững, vươn tới các thị trường khó tính.
Hiện Gia Lai mới có số ít đơn vị đạt được chứng nhận USDA (United States Department of Agriculture) đối với ngành hàng cà phê. Đây là chứng nhận hữu cơ do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ để hướng đến chứng nhận USDA đang là xu thế. Điểm vượt trội của nông nghiệp hữu cơ so với nông nghiệp truyền thống chính là tính bền vững, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Đây là hướng sản xuất phù hợp với định hướng của Chính phủ về chuyển đổi xanh hướng đến kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững, thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững. Theo đó, nông sản hữu cơ cũng có giá bán vượt trội so với sản phẩm thông thường. Đặc biệt, có nhiều lợi thế thâm nhập vào các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Mới đây, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) đã tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng cà phê hữu cơ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản. Sản phẩm cà phê này được trồng tại trang trại Vĩnh Hiệp trên diện tích 42ha. Năm 2018, trang trại đạt chứng nhận cà phê hữu cơ đầu tiên của Việt Nam, với sản lượng hàng năm khoảng 60 tấn nhân. Hiện trang trại đã đạt 4 chứng nhận organic của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, để đạt được những chứng nhận đó, cà phê tại trang trại phải áp dụng quy trình trồng, chăm sóc vô cùng nghiêm ngặt, từ khâu giống đến quản lý dinh dưỡng nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và phát triển bền vững hệ sinh thái dưới đất. Sản phẩm thu hoạch phải có tỷ lệ quả chín đạt từ 95% trở lên và tỷ lệ tạp chất không quá 0,5%; sản phẩm tận thu cuối vụ có tỷ lệ quả chín trên 80%. Sau khi thu hái, cà phê được đưa vào hệ thống rửa. Tùy theo yêu cầu chế biến, tính chất quả cà phê, điều kiện thời tiết để áp dụng phương pháp chế biến phù hợp.
Áp dụng quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt, từ khâu giống đến quản lý dinh dưỡng nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng và phát triển bền vững |
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, doanh nghiệp đặt ra sứ mệnh tiên phong về nông nghiệp hữu cơ, đưa nông sản Việt Nam lên một tầm cao mới bằng việc đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính nhất thế giới. Trang trại là mô hình thí điểm, tạo nền tảng để chia sẻ, hướng dẫn cho người dân cách tiếp cận phù hợp quy trình sản xuất hữu cơ. Để tạo sinh kế cho người nông dân, doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu đầu ra với mức giá tốt, xứng đáng với chất lượng hạt cà phê, giúp người nông dân hiểu được giá trị và gắn kết lâu dài, cùng nhau phát triển bền vững.
Trong khi đó, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (Gia Lai) cũng đã có một phần diện tích vườn cây được chứng nhận USDA và EU cách đây 4 năm. Năm 2023, diện tích này được nâng lên 30ha (trong đó có cà phê). Các tiêu chuẩn này đã mở ra cơ hội cho sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã thâm nhập được nhiều thị trường khó tính.
Để từng bước nâng tầm chất lượng cà phê, những năm qua, ngành nông nghiệp Gia Lai cùng với các doanh nghiệp, nông hộ đã quan tâm, tập trung nâng cao diện tích trồng chăm sóc cà phê đạt tiêu chuẩn. Hiện trong tổng số hơn 100.000ha cà phê của tỉnh Gia Lai, có khoảng 88.000ha kinh doanh (đang cho quả). Trong số đó, có khoảng 46.000ha sản xuất theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, UTZ, Rainforest Alliance… Toàn tỉnh có khoảng 90 nhà máy, cơ sở chế biến cà phê với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: L’amant, Thu Hà, Thanh Thủy; có 31 sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP…
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hiện nay, cà phê nhân xanh của các doanh nghiệp tại Gia Lai đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Ba Lan, Singapore…; còn hàng thành phẩm rang xay được xuất sang Hoa Kỳ. Trong 3 năm gần đây, từ nguồn nguyên liệu sản xuất theo quy trình hữu cơ, các doanh nghiệp đã chú trọng chế biến dòng cà phê chất lượng cao để gia tăng giá trị cho sản phẩm và phục vụ thị trường xuất khẩu.
Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Tam Ba vừa xuất lô hàng đầu tiên với sản lượng 38 tấn đi Nhật Bản, đánh dấu bước tiến về chất lượng sản phẩm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Song song với việc tạo dựng nguồn nguyên liệu chất lượng, việc đầu tư cho hoạt động chế biến các dòng cà phê chất lượng cao sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm 1,5-2 lần so với cách chế biến thông thường.