Nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thuộc ngành Ngân hàng
Trình bày báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Hồng Vân - Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán cho biết, theo quy định tại Luật NHNN năm 2010, NHNN đang được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 12 doanh nghiệp, TCTD, với quy mô vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023 là hơn 233 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là hơn 469 nghìn tỷ đồng, tổng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp là gần 178,9 nghìn tỷ đồng và tổng tài sản tại các doanh nghiệp là hơn 8,5 triệu tỷ đồng.
Theo đánh giá, trong năm 2023, công tác quản lý vốn nhà nước của NHNN đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. NHNN đã ban hành và có ý kiến với Người đại diện để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các TCTD, doanh nghiệp (điều lệ, quy chế tài chính, quy chế hoạt động của Ban Kiểm soát,…). Đây cũng là năm đạt được nhiều thành tựu trong công tác tăng cường lực tài chính cho các doanh nghiệp do NHNN quản lý. Cụ thể, NHNN đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư bổ sung vốn nhà nước cho các NHTMNN với mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung đạt kỷ lục hơn 32 nghìn tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh đó, đa số các TCTD có vốn nhà nước hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch về lợi nhuận, hoạt động an toàn, hiệu quả (ROE bình quân đạt 13,3%, nợ xấu dưới 2%), thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN giao. Các hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và đầu tư ra nước ngoài cơ bản có lãi, an toàn. Người đại diện, Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp và các đơn vị thuộc NHNN đã thực hiện khá đầy đủ, đúng quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Người đại diện cơ bản tuân thủ các quy định về báo cáo và xin ý kiến NHNN đối với những vấn đề cần báo cáo, xin ý kiến Cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng báo cáo về một số vấn đề phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát hệ thống; về chất lượng tài sản có, vấn đề nợ xấu, xử lý nợ xấu; lưu ý/khuyến nghị đối với các NHTM, doanh nghiệp trong quá trình quản trị điều hành. Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo về công tác cán bộ, tiền lương của người lao động, những vấn đề lưu ý về việc thực hiện công tác này của các NHTM, doanh nghiệp. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế báo cáo và định hướng, quán triệt đối với việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị đã làm rõ những nội dung công việc, kết quả đã đạt được trong thời gian qua và những khó khăn, vướng mắc cần được xử lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý và hoạt động của Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả đồng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, nhìn chung, NHNN và Người đại diện vốn tại các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức thực hiện và cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản và giám sát tài chính tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước do NHNN là đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Kết luận Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt quyền, trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, các đơn vị thuộc NHNN và Người đại diện, Ban Kiểm soát tại các doanh nghiệp cần thực hiện một số nhiệm vụ.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Cụ thể, đối với Người đại diện tại các doanh nghiệp, cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai giải quyết kịp thời các công việc trong thẩm quyền.
Thay mặt NHNN giám sát tình hình, kết quả hoạt động tài chính tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Điều lệ doanh nghiệp. Phối hợp với Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị và Ban điều hành chỉ đạo các nội dung như: Nghiên cứu, triển khai tổ chức ngay các chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01, Chỉ thị 03 và Kế hoạch 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; chấp hành nghiêm kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính được NHNN giao…
Đối với các ngân hàng mua bắt buộc cần phải phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng hỗ trợ, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc để có thêm các biện pháp hỗ trợ; tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, tiết giảm các khoản chi hoạt động và chi phí quản lý…
Với Ban kiểm soát tại các doanh nghiệp, Thống đốc yêu cầu cần thực hiện nghiêm quy định báo cáo định kì, đột xuất của NHNN về kết quả giám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp của Ban Kiểm soát, trong đó cần lưu ý đánh giá cụ thể kết quả giám sát đối với doanh nghiệp.
Về phía các đơn vị Vụ, Cục liên quan thuộc NHNN, các đơn vị được phân công thực hiện giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, tập trung vào nội dung giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính doanh nghiệp, giám sát vốn doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài…