Nâng mức giảm trừ gia cảnh: Sao vẫn là 11 triệu?
Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh | |
Chưa đồng thuận với mức giảm trừ gia cảnh | |
Giảm trừ gia cảnh vẫn “chạy” sau lạm phát |
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương để bàn về các giải pháp ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 vừa diễn ra mới đây, Bộ Tài chính cho biết đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Theo cách tính của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế dự kiến được nâng lên 11 triệu đồng/tháng {1,232 (x) 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng, làm tròn 11 triệu đồng}; tương ứng cho mỗi người phụ thuộc được nâng lên 4,4 triệu đồng/tháng {1,232 (x) 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng, làm tròn 4,4 triệu đồng}.
Ảnh minh họa |
Trước tiên cần phải thấy rắng, dù dịch Covid-19 không xảy ra đi nữa thì việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cũng vẫn phải thực hiện và đây không phải là một giải pháp hỗ trợ người nộp thuế. Bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi (Luật số 62/2012/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 quy định rõ: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.
Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12/2019 so với thời điểm 1/7/2013 là 123,2%, tức tăng 23,2%. Có nghĩa, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là phù hợp với quy định của pháp luật, chứ không phải vì dịch Covid-19.
Thậm chí theo nhiều chuyên gia, đến nay mới bàn đến chuyện nâng mức giảm trừ gia cảnh là quá muộn, bởi nếu chiểu theo quy định “CPI biến động trên 20%” của Luật, vấn đề này đáng lý phải được đặt ra từ đầu năm 2019, khi mà CPI đã ngấp nghé mức biến động 20%.
Không chỉ muộn mà mức giảm trừ cảnh mới theo đề xuất của Bộ Tài chính cũng quá thấp khiến cho đề xuất này dù chưa được áp dụng đã... lạc hậu. Bởi mức giảm trừ gia cảnh mới này sẽ được áp dụng trong ít nhất là 5-6 năm tới, thế nhưng Bộ Tài chính lại chỉ tính toán trên cơ sở biến động của CPI từ 1/7/2013 đến cuối năm 2019 là 23,2% là quá nhỏ.
Đó là so với lạm phát, còn so với mức sống hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh này lại càng lạc hậu hơn nữa. Đơn cử như lương cơ sở đã tăng gần 30% từ mức 1,15 triệu đồng/tháng tại thời điểm 1/7/2013 lên 1.490 triệu đồng/tháng như hiện nay và dự kiến sẽ tiếp tục được nâng lên 1,60 triệu đồng/tháng từ 1/7 tới, có nghĩa mức tăng sẽ tới 39%.
Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng mạnh trong thời gian này. Chẳng hạn chỉ tính giai đoạn 2013-2018 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tới 42% từ mức mức 41,1 triệu đồng (1.960 USD) lên 58,5 triệu đồng (2.587 USD). Còn nếu tính cả năm 2019 và 2020, mức tăng sẽ còn cao hơn nữa. Trong khi đó mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Bộ Tài chính chỉ tăng có 23%. Điều đó cũng đồng nghĩa số người nộp thuế sẽ tăng lên so với hiện nay và mức nộp cũng có thể nhiều hơn do thuế thu nhập cá nhân là thuế lũy tiến.
Một chuyên gia tính toán, giả sử tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân là 6,5% trong giai đoạn 2013-2019 để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 mức tăng trưởng thu nhập tích luỹ phải hơn 55%. Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu đồng; tương tự, mức miễn trừ đối với người phụ thuộc phải được làm tròn 6 triệu đồng mới là hợp lý.
Đó là chưa kể mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng đang được tính cào bằng giữa các vùng miền, thành thị cũng như nông thôn… trong khi thu nhập, mức sống giữa các vùng miền rất khác nhau. Chẳng hạn, lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau đến 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Đó là một sự mất công bằng rất lớn bởi mức 11 triệu đồng có thể là cao so với khu vực nông thôn, miền núi; song chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân tại các đô thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Đáng buồn là mặc dù đề xuất này đã được đưa ra lấy ý kiến đóng góp từ cuối tháng 2 và đã nhận được rất nhiều ý kiến không đồng thuận như đã nêu ở trên, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn “bảo lưu” quan điểm của mình.