Nên chọn cổ phiếu dệt may nào?
Dệt may đổi mới để phát triển Ngành dệt may: Từ khó khăn đến cơ hội “vàng” |
Ông Chu Đức Toàn, Giám đốc phân tích VNDirect nhìn nhận, đây là một tín hiệu sớm cho đà phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong ngành này. “Chúng tôi kỳ vọng ba phân khúc trong chuỗi giá trị sẽ lần lượt phục hồi kể từ nửa cuối năm 2023 với các động lực hỗ trợ trong ngắn và trung hạn, do đó những khó khăn của ngành dệt may đang đi đến hồi kết. Nhóm xơ sợi là phân khúc đầu tiên thể hiện điều này”, ông Toàn nhận định.
Để minh chứng, ông cho biết nửa đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu sợi và khăn của CTCP Sông Đà Hà Nội (ADS) sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng 2,6 lần so với nửa cuối năm 2022, đạt khoảng 5.600 tấn. Công ty cho biết lượng đơn hàng hiện tại đã đủ chạy hết công suất cho đến cuối quý III. Doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cũng đã gia tăng tỷ trọng lên mức 53%, từ mức 52% trong nửa đầu năm 2022. Nhu cầu các mặt hàng dệt may có xu hướng tăng cao vào quý cuối năm để phục vụ cho các dịp lễ, Tết, do đó hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) có thể sẽ sôi động hơn kể từ quý III/2023.
Bên cạnh đó, thị trường đang một bước ngoặt từ triển vọng tiêu thụ tại Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu xơ sợi sang Trung Quốc của Việt Nam trong quý II đã tăng mạnh 42,1% so với quý trước và đạt 610,7 triệu USD, nhích nhẹ so với con số của cùng kỳ năm 2022 (tại 609,7 triệu USD). Nhu cầu tiêu dùng tại Trung quốc đang gia tăng sẽ mang đến các tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn vào quý IV/2023 và quý I/2024.
Yếu tố tích cực khác là nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I/2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên sáng sủa hơn.
Giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc sang Mỹ của Việt Nam riêng trong quý II đã cao hơn 27,2% so với quý I/2023, đạt 3,94 tỷ USD.
Với xu hướng này, STK trở thành mã chứng khoán khả quan khi Nhà máy sợi Unitex giai đoạn 1 sẽ được đưa vào vận hành thương mại trong quý I/2024, giúp nâng tổng công suất của STK lên 96.000 tấn/năm nhằm đón đầu nhu cầu tăng trưởng cho sợi tái chế và sợi nguyên sinh, tại cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dự báo doanh số bán hàng giai đoạn 2023-2024 của công ty sẽ lần lượt tăng trưởng 15%/22% so với cùng kỳ, giúp đưa tốc độ tăng trưởng lợi nhuận về mức 2 con số.
ADS đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.984 tỷ đồng, tăng 73,8% so với cùng kỳ và 110 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ. Công ty đã hoàn thành lần lượt 32,5% và 41,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong 2 quý đầu năm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) được đánh giá là trung lập. Các chuyên gia kỳ vọng MSH sẽ đưa Nhà máy Xuân Trường vào hoạt động trong quý I/2024, giúp tổng năng lực sản xuất mở rộng, thêm 25%. Thêm vào đó, kỳ vọng đơn hàng mới cho mùa xuân-hè 2024 sẽ rục rịch đến từ quý IV/2023 và đóng góp vào việc tối ưu hóa công suất nhà máy SH10. Dự báo doanh thu của MSH sẽ có thể tăng trưởng trong năm 2024.
Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG trong ngành dệt may cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ và 299 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ, công ty đã hoàn thành 49%/33,1% mục tiêu doanh thu và LNST trong nửa đầu năm. Giới phân tích kỳ vọng TNG vẫn sẽ giữ được đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ vào đơn hàng ổn định từ các đối tác lâu năm.